Ngày 24-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng lại tiếp tục bị báo chí “vây” vì những vấn đề liên quan đến ngành Giao thông Vận tải dư luận đang quan tâm đặc biệt.
- PV: Vừa qua Bộ trưởng đã kêu gọi công nhân viên ngành GT-VT tích cực đi xe buýt, đến nay hiệu quả thế nào, đã có Thứ trưởng, Vụ trưởng nào đi xe buýt chưa?
Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG: Đây là vận động chứ không phải bắt buộc. Đi hay không là quyền của họ, cũng cần phải có thời gian.
- Nhiều người muốn ủng hộ Bộ trưởng nhưng lại ngại mất thời gian vì phải chờ đợi nhiều?
Đi xe buýt ở nước ngoài cũng thế, phải mất thời gian một chút.
- Nhiều người còn kêu ca chất lượng xe buýt quá kém, đề nghị bỏ hết hệ thống hiện nay, sắm xe mới thì may ra có nhiều người đi xe buýt hơn?
Đất nước mình còn nghèo lắm, không thể làm thế được. Ai cũng muốn mua một chiếc xe máy Nhật vì nó chỉ đắt ban đầu nhưng bền, tính ra thành rẻ nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận mua xe máy Trung Quốc vì họ chỉ có ngần ấy tiền. Một đằng là nhu cầu cần, một đằng là nguồn lực có hạn, phải chấp nhận.
- Cùng với việc vận động đi xe buýt, Bộ GT-VT và thành phố Hà Nội đang khẩn trương lên kế hoạch điều chuyển giờ làm việc, giờ đi học để giảm ùn tắc giao thông. Bao giờ kế hoạch này được thực hiện? Nhiều người dân đang nhờ Bộ trưởng giải bài toán đón con như thế nào?
Bộ và thành phố Hà Nội vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, sau đó mới trình lên Chính phủ xem xét, quyết định. Về mặt lý thuyết, giãn thời gian ra thì sẽ giảm áp lực lượng người ra đường cùng thời điểm, vì vậy sẽ đỡ tắc đường hơn. Vừa qua khi lấy ý kiến nhiều người băn khoăn nếu cha mẹ và con cái lệch giờ học, giờ làm thì gây xáo trộn sinh hoạt rất lớn. Qua phản hồi dư luận thì giờ học của học sinh mầm non và tiểu học có thể sẽ điều chỉnh cùng với giờ đi làm của bố mẹ để phù hợp hơn, vì nếu chênh nhau đối với trường hợp này thì bố mẹ các cháu vẫn phải ra đường đưa con đến trường.
- Bao giờ bộ họp với TPHCM để bàn giải pháp giảm ùn tắc giao thông như đã làm với Hà Nội?
Sau kỳ họp Quốc hội tôi mới có thể vào làm việc với TPHCM. TPHCM có đặc thù khác với Hà Nội nên kế hoạch của họ có thể sẽ khác. Cái đó sẽ do TPHCM đề xuất. Tôi cũng đã giao một Thứ trưởng vào làm việc với TPHCM rồi. Về cơ bản là những giải pháp ùn tắc ở TPHCM cũng phải làm ngay.
- Vừa qua Bộ trưởng lên tiếng phản đối việc cho ô tô đậu vỉa hè để thu phí?
Tôi nhất quyết phản đối việc này. Chính phủ đã chỉ đạo rồi, phải thực hiện nghiêm. Kể cả thu cao thì cũng không nên. Cũng cần nói thêm, tất cả những giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông hiện nay mà ngành GT-VT đề xuất đều đã được Chính phủ chỉ đạo từ trước, không phải là sáng kiến mới có. Vì thế, chúng ta cần quyết tâm thực hiện cho tốt. Chẳng hạn như việc giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TPHCM là rất cấp bách rồi, không thể trì hoãn được.
- Nhiều ý kiến nói vận động người dân đi xe buýt, điều chỉnh giờ làm, giờ học cũng chỉ là những giải pháp tình thế, cốt yếu là phải cải thiện hạ tầng giao thông. Vậy dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, TPHCM bao giờ triển khai?
Đã khởi công một tuyến ở Hà Nội rồi (tuyến Hà Đông - Cát Linh). Nhưng vấn đề là phải có nguồn vốn để đầu tư. Trong khi đó hiện nay chúng ta đang rất lo vấn đề nợ công. Những dự án như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao đều rất tốn tiền, Nhà nước phải chủ đạo.
- Gần đây dư luận rất quan tâm về việc ông “trảm” nhà thầu kém năng lực, một trong nguyên nhân làm chậm tiến độ công trình?
Tôi không “trảm”, không đình chỉ, không thay ai cả vì làm gì có quyền mà chỉ là tăng cường thêm người, đưa thêm người vào làm tổng chỉ huy để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công việc
- Còn việc lập “đội đặc nhiệm” để đẩy nhanh tiến độ các dự án?
Chỉ là tăng cường người lên để đẩy nhanh tiến độ các công trình này, trong đó có việc đàm phán các hợp đồng. Nhiều công trình hiện nay chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là khâu giải phóng mặt bằng chậm (khâu này liên quan đến chính sách, chế độ); nhà thầu yếu, việc đấu thầu có nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế. Ngoài ra, còn có nguyên nhân thiếu vốn, nhiều ban quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu...
- Tới đây ông có tiếp tục thị sát những cung đường, những dự án đang bị xã hội coi là chậm tiến độ, chất lượng kém?
Có chứ. Đó là trách nhiệm của lãnh đạo, phải kiểm tra thực tế, không thể quan liêu chỉ nghe báo cáo. Cùng với nghe báo cáo phải đi xuống thực tế vừa để hiểu tình hình, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, vừa có thể giúp anh em được điều gì đó.
Lâm Nguyên
Hôm qua 24-10, bên lề kỳ họp Quốc hội, trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm của Bộ Giao thông Vận tải nhằm làm giảm ùn tắc giao thông tại thủ đô, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định, phải nghe thêm nữa, thậm chí phải có những điều tra xã hội học xem việc điều chỉnh như vậy có lợi gì, hại gì, liệu có nảy sinh phức tạp mới. Và ngay cả khi quyết định điều chỉnh thì điều chỉnh ở khu vực nào, lĩnh vực nào cũng phải tính cụ thể. Nếu giải pháp đó mang lại lợi ích nhiều hơn thì khó cũng phải thực hiện. Muốn giải quyết căn bản thì giải pháp phải đồng bộ, mà trong đó ưu tiên số một là phải cải thiện, tăng cường năng lực hạ tầng giao thông. Người nhiều mà đường ít thì tất cả các giải pháp khác chỉ mang tính chất tình thế, chỉ có thể giúp giảm thiểu ùn tắc ở mức độ nào đó thôi. Hà Nội đang cùng Bộ Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe những ý kiến phản biện, thực hiện điều tra dư luận xã hội… Hà Nội đang xem xét, nghiên cứu tác động nhiều chiều của quyết định này, không phải chỉ với giao thông. Tương tự, đối với việc đi xe buýt, tăng lượng người đi xe buýt lên là rất tốt, rất cần nhưng số lượng xe vẫn như hiện nay mà ai cũng tập trung đi xe buýt cả thì chưa chắc đơn vị cung cấp đã đảm bảo chuyên chở đủ số yêu cầu. Về hạn chế xe cá nhân, đồng chí cho rằng việc hạn chế ô tô và xe máy phải tiến hành đồng thời nhưng nên quan tâm nhiều hơn đến ô tô cá nhân. Anh Thư ghi |