Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son: Báo chí góp phần xây dựng lòng tin

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son: Báo chí góp phần xây dựng lòng tin

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2015), TS Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (ảnh) đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh những đóng góp của báo chí trong suốt chặng đường phát triển của đất nước thời gian qua cũng như về quy hoạch, kế hoạch đổi mới, nhằm tạo ra những bước chuyển quan trọng trong hoạt động báo chí trên toàn quốc.

* Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông nhìn nhận thế nào về chặng đường 90 năm xây dựng và trưởng thành của Báo chí Cách mạng Việt Nam?

* Bộ trưởng NGUYỄN BẮC SON: 90 năm xây dựng và trưởng thành, trong suốt khoảng thời gian ấy, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào báo chí của chúng ta cũng luôn giữ một vai trò quan trọng trên các mặt trận tư tưởng cũng như trong quá trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, báo chí luôn là lực lượng xung kích trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Nhờ có báo chí, những thành tựu, những hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam được lan tỏa rộng rãi trên trường quốc tế. Cũng nhờ có báo chí mà cộng đồng quốc tế hiểu sâu sắc thêm về đường lối đối ngoại hợp tác quốc tế của chúng ta; đó là đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ và làm bạn với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta có hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài và báo chí chính là cầu nối giúp khơi dậy lòng yêu nước trong hàng triệu kiều bào, hướng họ về với Tổ quốc. Trong công tác tuyên truyền, báo chí - nhất là báo điện tử - có thể coi như công cụ giúp “giảm nghèo” về thông tin ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Khoảng 5-10 năm trước, việc tiếp nhận thông tin ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, với vai trò của các công cụ, phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo hình, báo nói và báo điện tử, hiện nay, khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, cũng như các vùng biển đảo khác của Tổ quốc đã được kết nối rất gần gũi với đất liền, làm cho đảo xa mà không xa...

* Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong việc cung cấp thông tin phòng chống tiêu cực, tham nhũng?

* Tôi cho rằng đóng góp những tiếng nói phản biện thẳng thắn là một vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Nhà nước ngày càng vững mạnh toàn diện. Ngay tại diễn đàn Quốc hội cũng đã có rất nhiều ý kiến các vị đại biểu dân cử cho biết, họ có được nguồn thông tin chính xác, nhiều chiều từ các các cơ quan báo chí.

Không chỉ góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, báo chí còn đóng góp rất tích cực đấu tranh phản bác, chống lại các thế lực thù địch. Trong những thời khắc quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng các cấp, báo chí giúp làm cho xã hội, cho mọi người hiểu rõ về ý nghĩa trọng đại của việc tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong xã hội vào các văn kiện trình Đại hội để xây dựng đường lối đúng đắn trong thời kỳ mới; lựa chọn đội ngũ cán bộ ưu tú để lãnh đạo đất nước; phản bác lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Với những thành tích to lớn đó, nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng, Nhà nước đã tặng Huân chương Sao Vàng cho lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam.

* Với hàng trăm cơ quan báo chí thuộc đủ các loại hình, lực lượng báo chí chắc hẳn cũng không thể tránh khỏi một số khiếm khuyết trong quá trình tác nghiệp, thưa Bộ trưởng?

* Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn có một số cơ quan báo chí, tuy không nhiều và một số cá nhân nhà báo có vi phạm nhất định trong quá trình tác nghiệp, chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của hoạt động báo chí. Có những bài báo đưa thông tin không toàn diện, không chính xác mà một trong những nguyên nhân quan trọng là không quán triệt tính định hướng, xa rời tôn chỉ, mục đích… Đáng ngại hơn, đây đó đã xuất hiện trên mặt báo một số quan điểm sai trái, một số bài báo đưa tin sai sự thật cần chấn chỉnh kịp thời. Đây là những điều không mong muốn, cần đấu tranh phê phán một cách quyết liệt. Nhưng tôi cho rằng về cơ bản, báo chí đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; thực sự không chỉ là những cơ quan truyền tải thông tin đến người dân, mà còn góp phần không nhỏ vào việc xây dựng lòng tin. Trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, trong một ngày mọi người có thể quên hoặc không tiếp cận đến một lĩnh vực nào đó, song không thể hình dung được trong một ngày mà chúng ta không tiếp nhận thông tin từ báo chí.

* Đề án quy hoạch báo chí toàn quốc, một khi được thực hiện, sẽ tạo ra diện mạo mới cho lực lượng báo chí Việt Nam như thế nào, thưa Bộ trưởng?

* Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc là một nhiệm vụ rất quan trọng, một trong những chức năng chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí. Đây là một nhiệm vụ rất phức tạp, hệ trọng, có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng trong tình hình hiện nay, chính vì vậy Đề án quy hoạch này nhận được sự chỉ đạo rất kịp thời, sát sao của Đảng, Nhà nước. Hướng quy hoạch là để hướng tới không nhất thiết phải nhiều về số lượng mà quan trọng là bảo đảm nâng cao chất lượng của báo chí. Việc quy hoạch sẽ giúp tập trung nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí trong quá trình hoạt động.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 sẽ được trình Chính phủ xem xét phê duyệt khi hội tụ đủ yếu tố. Nhưng cũng cần nói rõ rằng, không nhất thiết phải chờ sau khi có quy hoạch chúng ta mới rà soát, điều chỉnh hoạt động báo chí, mà bình thường vẫn sắp xếp, thậm chí có cơ quan báo chí vi phạm phải đình chỉ, có báo phải thu hồi ấn phẩm phụ… Như vừa qua chúng ta đã thấy Bộ GTVT là chủ quản của 7 cơ quan báo chí của ngành. Thể theo Điều 12 Luật Báo chí hiện hành, tuy chưa có quy hoạch, song xét thấy để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động báo chí trong ngành, Bộ GTVT đã chủ động tổ chức lại. Đó chính là việc cần làm, đúng chức năng chủ quản.

Đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 28 (Singapore).

* Có ý kiến lo ngại rằng nếu theo quy hoạch, các cơ quan báo chí đều là của các bộ, ban, ngành, thì có thể xảy ra tình trạng thỏa thuận cùng nói hay cho nhau hoặc cùng “bỏ qua” những thiếu sót, khuất tất?

* Lo ngại đó là không có cơ sở, bởi vì các cơ quan báo chí vẫn có tính độc lập và hoạt động theo tôn chỉ mục đích riêng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền quan điểm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng như tham gia công tác bảo vệ pháp luật, đương nhiên báo chí phải khách quan trong đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.

* Thưa Bộ trưởng, hiện cả nước đã có hơn 300 kênh phát thanh và truyền hình, hơn 800 tờ báo, tạp chí. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin còn tạo ra rất nhiều hình thức thông tin, truyền thông mới khiến sự cạnh tranh đang ngày càng gia tăng giữa báo in với báo điện tử, giữa báo điện tử với mạng xã hội… Bộ trưởng đánh giá thực tế này sẽ tạo ra cơ hội và thách thức như thế nào cho một tờ báo in, đặc biệt là một tờ báo của Đảng như SGGP?

* Đúng là sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực truyền thông đã có tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, xã hội; cho phép truyền tải thông tin đến người dùng dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn thông qua nhiều hình thức nghe - nhìn với chi phí hợp lý. Bên cạnh những cơ hội lớn, nhiều thách thức đã đặt ra cho cả công tác quản lý nhà nước lẫn các cơ quan báo chí, đặc biệt là đối với một tờ báo in với đặc thù riêng như Báo SGGP. Đó là một xu thế tất yếu của xã hội mà báo chí truyền thống phải nhanh chóng bắt kịp, thích nghi để duy trì được vị trí, vai trò của mình, bằng cách xây dựng trang báo điện tử, trang thông tin điện tử; cập nhật thông tin thường xuyên, phát triển các video clip về các nội dung, vấn đề chính trị - văn hóa - xã hội mà độc giả quan tâm; kết hợp với việc đưa tin theo dòng sự kiện để vừa đảm bảo được tính thời sự, vừa làm cho thông tin có chiều sâu…

Tuy nhiên, từ một khía cạnh khác, tôi cho rằng, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Báo SGGP cũng có những lợi thế riêng: là tờ báo có uy tín; thông tin nhanh, rộng, mang tính xác thực, hữu ích, tính dự báo cao, quan điểm mạch lạc, rõ ràng… Báo SGGP có điều kiện và cần nỗ lực phấn đấu để làm tốt vai trò “nhạc trưởng” truyền thông của TPHCM; hòa nhập tốt vào dòng chảy của cuộc sống. Điều đáng lưu ý là trong tiến trình hòa nhập, làm sao để tờ báo không bị cuốn theo một cách bị động mà giữ vững được lập trường, quan điểm, nội dung và hình thức thông tin bám sát tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị của mình, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về báo chí, luôn thật sự xứng đáng với vai trò là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền; là diễn đàn tin cậy của nhân dân TPHCM.

* Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục