Tại buổi gặp gỡ giữa Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam và đại diện phòng GD-ĐT 24 quận, huyện do Sở GD-ĐT TP tổ chức vừa qua, bên cạnh các nội dung về xem xét lại định biên giáo viên, phân bổ lại ngân sách chi hỗ trợ thường xuyên cho các trường có trẻ khuyết tật học hòa nhập, đa phần các ý kiến đều tập trung xoay quanh vấn đề làm sao thu hút giáo viên giỏi thực hiện chuyên trách phổ cập.
Khơi mở vấn đề này, ông Phan Văn Đồng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 10, cho biết hầu hết giáo viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều bày tỏ nguyện vọng muốn trực tiếp làm công tác giảng dạy chứ không đồng ý phụ trách công tác phổ cập. Đơn cử như ở quận 10, việc tuyển dụng giáo viên phổ cập gặp rất nhiều khó khăn. Địa phương đã nhiều lần động viên, thậm chí “bật đèn xanh” cho hiệu trưởng các trường bố trí, sắp xếp cho giáo viên phổ cập kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác, trong đó có việc đứng lớp để họ được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi như tất cả giáo viên khác (theo quy định hiện nay của ngành giáo dục, chỉ những giáo viên trực tiếp đứng lớp mới được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi-PV) nhưng vẫn chưa đủ sức thu hút giáo viên.
Tương tự ở quận 6, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận 6, cho biết giáo viên phổ cập trên địa bàn quận hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có định biên giáo viên chính thức nên khi có cơ hội việc làm tốt hơn họ sẽ “nhảy” việc, tạo nên sự xáo trộn liên tục về mặt nhân sự. Nhiều năm qua, quận 6 đã trích một phần quỹ hàng năm dành cho công tác phổ cập giáo dục để hỗ trợ thường xuyên 1,5 triệu/người/tháng nhưng vẫn chưa đủ sức giữ chân lực lượng lao động này. Từ thực tế đó, ông Uyên kiến nghị các cấp lãnh đạo xem xét, bổ sung thêm biên chế giáo viên phổ cập giáo dục để họ được cải thiện thu nhập, hưởng đầy đủ quyền lợi như tất cả giáo viên khác.
Ở khía cạnh khác, ông Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi bày tỏ: “Thù lao một tiết dạy của giáo viên phổ cập hiện nay vẫn duy trì ở mức 10.000 - 15.000 đồng/tiết. Đây là con số quá lạc hậu, không phù hợp với công sức giáo viên bỏ ra và thiếu tính cạnh tranh, thu hút người giỏi. Nhiều năm qua, Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi đã nhiều lần nộp đơn kiến nghị nâng lên mức 30.000 đồng/tiết dạy đối với bậc tiểu học và 45.000 đồng/tiết dạy đối với bậc THCS và THPT nhưng chưa được UBND TP phê duyệt”. Tính trên toàn huyện Củ Chi hiện nay có tất cả 59 giáo viên phụ trách công tác phổ cập, tập trung ở hai bậc tiểu học và THCS. Riêng ở bậc mầm non chưa có đơn vị nào có định biên giáo viên phổ cập. Để thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tất cả các trường phải sử dụng cán bộ kiêm nhiệm khiến công việc thường xuyên quá tải.
Đáp lại những băn khoăn này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hoài Nam cho biết cả nước hiện chưa có quy định định biên giáo viên chuyên trách phổ cập. Do đó TPHCM với những đặc thù và định hướng riêng cho công tác phổ cập đã bổ sung thêm chức danh này, song cũng vì thế nên về mặt chế độ, chính sách còn nhiều bất cập, gây khó khăn chung cho các quận, huyện. Vấn đề chi trả lương, thực hiện chế độ phụ cấp cho lực lượng này được thực hiện không đồng đều giữa các quận, huyện, tạo nên tâm lý chán nản, thiếu mục tiêu phấn đấu của giáo viên. Nhận thức được điều đó, thời gian tới Sở GD-ĐT TP sẽ có buổi làm việc với Sở Nội vụ để phân bổ lại biên chế cho ngành giáo dục, góp phần thúc đẩy công tác phổ cập giáo dục, xóa bỏ tình trạng trẻ em bỏ học, trẻ ngoài nhà trường hiện nay.
THU TÂM