Bóng đá Việt Nam chung sức

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan nhanh trên toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền bóng đá, giới chức Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã suy tính kỹ càng nhằm tìm ra giải pháp tốt, an toàn nhất cho các hoạt động của mình.

 Từ AFF, AFC, UEFA rồi đến cấp cao nhất là FIFA cũng đã truyền tải những thông điệp tích cực đến các liên đoàn thành viên, trên tinh thần đồng lòng, chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, sớm đưa bóng đá thế giới trở lại bình thường. Giới chức bóng đá Việt Nam những ngày qua đã nỗ lực bàn thảo để tìm ra phương án điều hành bóng đá trong nước một cách tốt nhất.

Lúc này, hai vấn đề chính mà dư luận cũng như người trong cuộc đề cập nhiều, đó là trái bóng V-League 2020 khi nào sẽ lăn trở lại và theo phương án nào. Việc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thông báo họp trực tuyến hôm 31-3 vừa rồi, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp các đội cùng tham khảo, thể hiện ý kiến là rất hợp lý. Bởi lẽ, nếu làng bóng đá Việt Nam đồng thuận và có sự chuẩn bị tốt nhất, thì khi các cấp có thẩm quyền cho phép bóng lăn trở lại, mọi chuyện sẽ không quá cập rập. Thay vì bị động ngồi chờ qua dịch thì việc cùng ngồi bàn bạc các phương án cũng là điều cấp thiết phải làm lúc này, dù điều đó có gây ra một số tranh cãi.

Chúng ta nên nhìn nhận và thống nhất với nhau rằng, hiện nay các đội bóng đều không làm ra tiền, tất cả đều tồn tại nhờ vào nguồn kinh phí của các ông bầu và từ những nhà tài trợ. Nếu không cộng đồng trách nhiệm để đưa ra giải pháp ổn thỏa, cũng tức là đang bảo vệ cuộc chơi của mình, thì chưa chắc đội nào còn tồn tại, đội nào sẽ biến mất sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn.

VPF đang nỗ lực chọn thời điểm thích hợp để bóng lăn trở lại vào tháng 5 hoặc sau đó nữa, đồng thời sẽ quyết định chuyện lên-xuống hạng, nhằm định hướng chuẩn mực cho các CLB sắp xếp về lực lượng và tài chính. Không ít đội bóng đã và đang tính đến chuyện giảm lương của cầu thủ và huấn luyện viên, không ngoài mục đích chia sẻ khó khăn với nhau. Mới đây, FIFA còn đưa ra gói trợ giúp 2,7 tỷ USD để “giải cứu” bóng đá thế giới, điều đó cho thấy tình hình tài chính của các đội bóng ở khắp thế giới đều đang rất cấp bách.

Vì vậy, các đội bóng càng cần phải hợp tác, cùng ngồi lại bàn bạc và tìm kiếm giải pháp tối ưu về chuyên môn, thời gian thi đấu… Điều quan trọng nữa là ở các đội bóng, mọi cá nhân cần bình tâm, tính đến chuyện duy trì hoạt động của CLB, sau khi hết dịch mới bàn tiếp phương hướng phát triển. Lúc này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần phải vào cuộc, không để một mình VPF làm như hiện nay. VFF sẽ cùng hỗ trợ, gỡ rối và chung sức để biến khó khăn thành động lực vươn lên, giảm tải áp lực từ nhiều phía cho VPF, để cùng nhau vượt qua tất cả, trên hết là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác trong “ngôi nhà chung” bóng đá Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục