Bức bách giải quyết tro, xỉ than nhiệt điện

Tỉnh Bình Thuận hiện có 4 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đang hoạt động. Đến nay, lượng tro, xỉ than của các nhà máy đang lưu giữ, chôn lấp tại các bãi chứa đã lên tới gần 12 triệu tấn. Nếu không có giải pháp xử lý căn cơ, bền vững thì lượng tro, xỉ than tiếp tục phát sinh, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Bãi chứa tro, xỉ than của các Nhà máy Nhiệt điện ở Bình Thuận dự kiến 3 tháng nữa sẽ quá tải
Bãi chứa tro, xỉ than của các Nhà máy Nhiệt điện ở Bình Thuận dự kiến 3 tháng nữa sẽ quá tải

Gần hết chỗ chứa

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) hiện có 4 NMNĐ với tổng công suất gần 4.300MW đang hoạt động gồm: Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Nhằm giải quyết lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất điện, các nhà máy này đã được chấp thuận xây dựng 2 bãi chôn lấp tro, xỉ với tổng diện tích gần 100ha ở xã Vĩnh Tân.

Những ngày cuối tháng 3, phóng viên quay trở lại bãi chứa tro, xỉ than tập trung của NMNĐ Vĩnh Tân 2 khi nơi đây vừa thi công xong đê bao tầng cuối cùng (tầng 5) để lưu trữ. Theo thiết kế, bãi xỉ NMNĐ Vĩnh Tân 2 sử dụng chung với NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng có diện tích hơn 38ha, được thiết kế 5 tầng đê bao, với độ cao tối đa cho phép là 27m, có khả năng lưu trữ khoảng 8,7 triệu tấn tro, xỉ. Hiện tại, bãi chứa này đã lưu trữ 8,1 triệu tấn (chủ yếu của NMNĐ Vĩnh Tân 2 với 7,2 triệu tấn), khả năng lưu trữ chỉ còn khoảng 600.000 tấn.

Đại diện NMNĐ Vĩnh Tân 2 cho biết, căn cứ kế hoạch sản xuất điện 6 tháng đầu năm 2022 của các NMNĐ 2, 4 và 4 mở rộng, khối lượng tro, xỉ dự kiến mang ra lưu trữ tại bãi chứa khoảng 500.000 tấn thì chỉ khoảng 3 tháng nữa là không còn chỗ để chứa.

Trong khi đó, bãi chứa tro, xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 1 có diện tích gần 60ha, sức chứa theo thiết kế khoảng 7,5 triệu tấn. Đến cuối tháng 2-2022, lượng tro, xỉ đang lưu chứa tại bãi đã hơn 3,8 triệu tấn, chiếm hơn 51% tổng dung tích. Theo báo cáo của NMNĐ Vĩnh Tân 1, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, lượng tro, xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất điện là trên 163.000 tấn, trong đó khoảng 56.000 tấn đã được chôn lấp tại bãi chứa. Như vậy, với lượng tro, xỉ phát sinh rất lớn, nếu không có giải pháp tiêu thụ, xử lý thì không lâu nữa, bãi chứa này cũng sẽ quá tải.

Loay hoay tìm lối ra

Trước thực tế lượng tro, xỉ than từ các NMNĐ ở tỉnh Bình Thuận phát sinh ngày càng nhiều, việc đẩy mạnh tiêu thụ loại chất thải này đang là vấn đề cấp bách, nhằm vừa giải tỏa công suất các bãi chứa, hạn chế ô nhiễm môi trường vừa tránh lãng phí nguồn nguyên liệu này.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, hiện nay, các NMNĐ ở địa phương đều đã có giấy chứng nhận chất lượng tro, xỉ đạt tiêu chuẩn Việt Nam để sử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu không nung, phụ gia, vật liệu san lấp, vật liệu làm nền đường, đáp ứng các quy định về môi trường và được coi là “chất thải rắn công nghiệp thông thường”, được quản lý như hàng hóa theo quy định. Chính những thuận lợi này đã giúp việc tiêu thụ tro, xỉ của các NMNĐ có những tín hiệu khả quan, nhưng thực tế còn khá khiêm tốn.
Trong khi hầu hết các NMNĐ ở tỉnh Bình Thuận đang “tự bơi” để tìm đầu ra cho sản phẩm tro, xỉ thì tại địa phương, nguồn nguyên liệu này chưa được quan tâm đúng mức. Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, thừa nhận: “Thời gian qua, dù đã thông báo rộng rãi về nguồn vật liệu tro, xỉ nhưng chưa có đơn vị nào sử dụng. Trước đây, tỉnh đã tin tưởng, giao cho một công ty nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng nhưng đến nay không có kết quả gì. Hiện giờ chỉ có thể tiếp tục san lấp và bán số lượng ít cho các nhà máy sản xuất xi măng chứ chưa làm gì khác được”. Cũng theo Sở Công thương Bình Thuận, ở khu vực miền Bắc và ĐBSCL có nhu cầu lớn dùng tro, xỉ làm vật liệu đắp nền, đường giao thông, trong khi ở Bình Thuận do nguồn tài nguyên này dồi dào nên doanh nghiệp, cá nhân chưa chú ý nhiều. 

Đại diện các NMNĐ kiến nghị, để việc tiêu thụ tro, xỉ được đẩy mạnh trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận cần xem xét, nghiên cứu có giải pháp phù hợp cho việc ưu tiên sử dụng loại vật liệu hợp chuẩn này làm vật liệu san lấp công trình xây dựng, làm đường giao thông… trên địa bàn. Như vậy, lượng tro, xỉ phát thải và lưu chứa sẽ được tiêu thụ hiệu quả.

Đến nay, NMNĐ Vĩnh Tân 2 đã tiêu thụ khoảng 2,1 triệu tấn tro, xỉ than. Riêng năm 2021, trên 61% lượng tro, xỉ phát thải của nhà máy được đưa đi tiêu thụ theo đường biển và đường bộ. NMNĐ Vĩnh Tân 4 và NMNĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ mới tiêu thụ khoảng 35% số tro, xỉ than phát thải từ khi vận hành (khoảng 423.000 tấn trong tổng số 1,2 triệu tấn). NMNĐ Vĩnh Tân 1 đã tiêu thụ được trên 1,3 triệu tấn tro, xỉ; còn lưu tại bãi chứa hơn 3,8 triệu tấn.

Tin cùng chuyên mục