Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có kết luận đồng ý chủ trương thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử, để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đây được xác định là một trong những giải pháp đúng đắn để thúc đẩy việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và đã được chỉ đạo tại Nghị quyết 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử (CPĐT).
Để Cổng DVCQG sớm có thể triển khai, vận hành, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực triển khai xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc tích hợp với Cổng DVCQG, bảo đảm đúng tiến độ.
Thủ tướng cũng lưu ý, Cổng DVCQG là hệ thống quan trọng, kết nối với toàn bộ quy trình hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các dịch vụ công, chứa nhiều thông tin, dữ liệu và ảnh hưởng đến các hoạt động giao dịch của người dân, doanh nghiệp, do vậy, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin của hệ thống và tính chính xác, an toàn trong các giao dịch điện tử. Thủ tướng cũng nhất trí phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dịch vụ công…
Tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia (diễn ra ngày 12-3), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia về CPĐT Mai Tiến Dũng cho biết: Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề cho nền tảng của tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng CPĐT, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số. Hiện đã có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương gồm 31 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Chỉ trong 1 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 8.000 văn bản gửi và hơn 19.000 văn bản nhận điện tử qua hệ thống này. Về hiệu quả kinh tế, trục liên thông văn bản so với việc gửi nhận văn bản theo phương thức truyền thống đã tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí thuê dịch vụ của VNPT! Đây là những con số hết sức ý nghĩa, khi mà trong một thời gian dài, vấn đề xây dựng và phát triển CPĐT của Việt Nam luôn nằm ở mức khiêm tốn. Cách đây gần 20 năm, thất bại Đề án Tin học hóa hành chính nhà nước (thường gọi là Đề án 112) với mục tiêu xây dựng CPĐT (được thực hiện trong giai đoạn từ 2001 - 2005) được xem là một bài học lớn về xây dựng và phát triển CPĐT ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng, chuyển biến, nhưng Việt Nam vẫn còn đi chậm trong việc xây dựng CPĐT, xếp hạng về CPĐT của Việc Nam vẫn còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực và trên toàn thế giới. CPĐT hay cụ thẻ hơn là việc trao đổi văn bản, công văn qua hệ thống điện tử đã được các nước phát triển sử dụng hơn 20 năm nay. Tuy chậm, nhưng nay Trục liên thông văn bản quốc gia đi vào hoạt động, sẽ là bước đột phá mạnh mẽ, tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của CPĐT, hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh, hướng tới nền hành chính hiện đại không giấy tờ.
Đây là giải pháp không chỉ tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian xử lý văn bản và tiến tới loại bỏ tình trạng “ngâm hồ sơ”, kết quả kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa cơ quan nhà nước các cấp còn giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc trên hệ thống, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Đây cũng là phương án tiết kiệm, hiệu quả tối ưu để giải quyết thực trạng về phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương vốn được rất nhiều nhà cung cấp triển khai trên các loại nền tảng kỹ thuật, công nghệ khác nhau; khiến quá trình tích hợp, đồng bộ, liên thông luôn gặp khó khăn trong nhiều năm qua.
Chắc chắn rằng, Cổng DVCQG và Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ góp phần hoàn thiện nền tảng CPĐT, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số sẽ diễn ra thuận lợi hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về CPĐT của ASEAN, như mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.