Buổi tiếp khách đặc biệt

Cách đây 8 năm, sáng 2-10-2005, cậu học trò nghèo miền quê cát trắng Quảng Bình Lê Vũ Hoàng “đăng quang” trên đỉnh Olympia sau một cuộc thi đến nghẹt thở vì hồi hộp. Hội đồng hương Quảng Bình ở Hà Nội đã liên lạc, xin phép Đại tướng và ngay trong buổi chiều hôm đó, tại nhà riêng của mình (số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho Lê Vũ Hoàng một cuộc trò chuyện thân tình.
Buổi tiếp khách đặc biệt

Cách đây 8 năm, sáng 2-10-2005, cậu học trò nghèo miền quê cát trắng Quảng Bình Lê Vũ Hoàng “đăng quang” trên đỉnh Olympia sau một cuộc thi đến nghẹt thở vì hồi hộp. Hội đồng hương Quảng Bình ở Hà Nội đã liên lạc, xin phép Đại tướng và ngay trong buổi chiều hôm đó, tại nhà riêng của mình (số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho Lê Vũ Hoàng một cuộc trò chuyện thân tình.

Cuộc tiếp khách đồng hương “đột xuất” này của vị tướng già đã kéo dài gần 45 phút. Và tôi may mắn là một trong những người chứng kiến trọn vẹn cuộc trò chuyện, cũng như chụp được những bức ảnh quý giá này.

Đại tướng tặng sách và dặn dò Lê Vũ Hoàng trước khi chia tay. Ảnh: T.Lưu

Đại tướng tặng sách và dặn dò Lê Vũ Hoàng trước khi chia tay. Ảnh: T.Lưu

Câu hỏi đầu tiên mà Đại tướng dành cho Hoàng: “Cháu thấy cuộc thi sáng nay thế nào?”. Hoàng trả lời rằng: “Rất gay cấn ông ạ! Quá trình thi cháu đã chuẩn bị từ lâu rồi và qua các cuộc thi cháu thấy rằng, muốn chiến thắng thì phải có sự chuẩn bị tinh thần rất tốt, phải thật tự tin, bình tĩnh thì mới có thể chiến thắng được…”. Cuộc trò chuyện giữa vị Đại tướng và cậu bé 17 tuổi bắt đầu như vậy.

Đại tướng trò chuyện, hỏi han về cuộc thi của Hoàng, về hoàn cảnh gia đình Hoàng, về “người và đất Quảng Bình”, chúc mừng, căn dặn Hoàng phải cố gắng hơn nữa… Rồi Đại tướng đặt bàn tay phải lên 2 tay của Hoàng, nhìn thẳng vào mặt Hoàng một cách trìu mến và nói: “Cố gắng! Cháu phải cố gắng. Lúc thành công thì mừng rồi, nhưng bác dặn là lúc này cháu không được ngủ say trên vòng nguyệt quế! Và rồi không nên thỏa mãn. Vì bước đường còn dài. Mình làm như thế, nhưng thực ra mình đã làm gì cho đất nước đâu! Đất nước mình vẫn còn nghèo. Cháu nhớ không?”. Hoàng trả lời với 2 tay vẫn nắm chặt bàn tay của Đại tướng: “Dạ! Cháu nhớ ạ!”…

Câu chuyện trong căn phòng lại càng ấm cúng hơn khi Đại tướng hỏi các thầy cô của Hoàng về giáo dục ở Quảng Bình, hỏi về danh thắng Phong Nha – Kẻ Bàng… Tiếp đó, Đại tướng nói với Hoàng: “Không có gì nhiều, bác tặng cháu mấy cuốn sách. Thường thì một cuốn, nhưng cháu thì có đặc biệt hơn nên bác tặng 2 cuốn. Một cuốn về Điện Biên Phủ và đây là một cuốn về giải phóng Sài Gòn”. Nói rồi Đại tướng nhờ phu nhân và con gái lấy sách và bút để ký tặng Hoàng. Viết xong, Đại tướng đọc to những dòng mình đã viết vào sách để cho mọi người cùng nghe: “Chúc mừng cháu Lê Vũ Hoàng, chúc cháu luôn làm theo lời của Bác Hồ, trau dồi đạo đức, phát triển tài năng, tiếp tục tiến lên, tất cả vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đến đây, Đại tướng quay qua hỏi Hoàng: “Cháu nhớ chưa?”. Hai tay đỡ tập sách, Hoàng trả lời: “Cháu nhớ rồi ạ!”. Tay trái Đại tướng vẫn đỡ 2 cuốn sách, tay phải chìa ra: “Nhớ rồi và đồng ý với bác thì bắt tay nào! Coi như là giao kèo thực hiện nhé!”… Đại tướng cười to vui vẻ, còn Hoàng vụng về, một tay đỡ sách, một tay chìa ra, nắm chặt tay Đại tướng trong tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người…

Trước khi rời khỏi căn phòng, Đại tướng lại kéo Hoàng lại gần và nói to để mọi người cùng nghe: “Tôi cũng cảm ơn tất cả các thầy, các cô đã giúp đỡ, đào tạo cháu để có thành tích như hôm nay. Đó là vinh dự, nhưng cũng là kinh nghiệm để đào tạo tốt và nhiều hơn nữa. Một người ở Quảng Bình mà thi đoạt giải cao thế này, chắc chắn sẽ có rất nhiều người vui mừng! Xin chúc mừng tất cả và gửi lời thăm đến tất cả các thầy, các cô và thăm học sinh và nhân dân ở Quảng Bình!”... Quay qua Hoàng, Đại tướng hỏi: “Cháu nhớ những lời bác dặn không?”. Hoàng trả lời: “Cháu nhớ rồi ông ạ!”. Đại tướng lại cười, kéo Hoàng vào vòng tay và bảo: “Nhớ rồi thì bắt tay thêm cái nữa nào! Cháu nhớ giao kèo nhé! Thôi, chào tất cả mọi người!... Giáo dục Quảng Bình khá đấy!”… Băng ghi âm của tôi ghi được toàn bộ cuộc nói chuyện từ đầu đến lúc đó là 43 phút 55 giây. Sau này, khi trò chuyện với những trợ lý của Đại tướng, tôi được biết, hiếm khi Đại tướng tiếp khách lâu và trò chuyện nhiều như vậy ở thời điểm đó.

Đó là chuyện gần 8 năm về trước. Giờ đây, vị Đại tướng già đã thanh thản ra đi ở tuổi 103.  Còn cậu học trò Lê Vũ Hoàng đã học xong đại học, đang làm tiến sĩ ở Australia và cũng đã lập gia đình. Thời gian thật nhanh, nhưng với tôi, cuộc trò chuyện hôm đó vẫn hiện hữu rõ ràng, chi tiết. Cũng như bao người con Quảng Bình khác và như tất cả người dân Việt Nam hôm nay, xin được cúi mình tiễn đưa Đại tướng. Một người con kiệt xuất của đất mẹ Quảng Bình, một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam!

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục