Buồn vì chuyện “đầu tiên”

Được chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia ai chả thích, nhưng buồn vì danh hiệu đó lại đang là chuyện xảy ra đối với nhiều giáo viên trên địa bàn TPHCM. Chuyện là, sau khi Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc thi giáo viên dạy học theo chủ đề tích hợp, đã có không ít giáo viên của TPHCM đạt các thứ hạng cao trên bảng thống kê kết quả của ban tổ chức. Tuy nhiên, phần thưởng sau đó mà những giáo viên này nhận được chỉ là một tờ giấy chứng nhận đạt giải, ngoài ra không có bất kỳ phần thưởng hay sự khích lệ nào.

Ngay sau đó, TPHCM bằng sự chủ động và linh hoạt của mình đã “tặng thêm cho mỗi người đạt giải vài trăm ngàn đồng cùng một kỷ niệm chương để động viên sự cố gắng, giúp giáo viên có thêm chút tiền thưởng khao bạn bè”, như chia sẻ rất chân tình của một giáo viên từng đạt giải. Nỗi buồn “có tiếng nhưng không có miếng” chưa dừng ở đó, tất cả công trình đạt giải sau khi được tập hợp trong một quyển sách đã không được phổ biến rộng rãi mà lại bán với giá 390.000 đồng/cuốn, một bộ đầy đủ gồm hai cuốn tức gần 800.000 đồng, mức giá không hề ưu đãi đối với túi tiền giáo viên.

Không ít người đã “cười ra nước mắt” trước quyết định của các thầy cô giáo hy sinh một phần tư thu nhập hàng tháng để mua sách chỉ vì một lý do duy nhất là làm kỷ niệm. Đem thực tế đau lòng này hỏi những người có trách nhiệm, chúng tôi nhận được câu trả lời là không có kinh phí. Cũng hợp lý, vì mỗi năm cả nước tổ chức biết bao cuộc thi, mỗi kỳ thi lại có biết bao người đạt giải. Nếu quy tất cả giải thưởng ra tiền thì tổng chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Tuy nhiên, mong ước “có chút gì đó để kỷ niệm” như tặng sách có in công trình đạt giải cho giáo viên, thành lập thư viện lưu trữ trên mạng để tất cả giáo viên có thể vào đó tham khảo, học hỏi không phải là chuyện quá khó. Nhưng biết đến bao giờ?

Mặt khác, theo chia sẻ của nhiều giáo viên, trong quá trình giảng dạy có rất nhiều ý tưởng nảy sinh trong đầu. Sáng tạo làm sao để bài giảng trở nên sinh động, không bị khô cứng; tổ chức lớp học thế nào để phát huy tối đa tinh thần làm việc nhóm của học sinh là việc không phải giáo viên không làm được, nhưng làm mà không có sự hỗ trợ, chia sẻ vấn đề “đầu tiên” - tiền đâu từ phía phụ huynh (vì theo quy định, trường học không có kinh phí hỗ trợ này) thì giáo viên rất khó thực hiện. Cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh, giáo viên nhiều năm kinh nghiệm của Trường Mầm non 30-4 (quận 1) cho biết, cô thường xuyên tận dụng các thứ vật phẩm, chai, lọ ở nhà mang vào lớp học để có thêm vật liệu trang trí góc học tập cho học sinh. Nhiều khi ở nhà có đồ dùng gì mới, theo thói quen cô lại nghĩ đến việc tạo thêm vật dụng trang trí cho học sinh. Tuy nhiên, đó chỉ là cách làm “vì tấm lòng là chính”, về lâu dài, con diều ý tưởng không thể nào cất cánh nếu thiếu hỗ trợ “đầu tiên” từ phía ban giám hiệu cũng như phụ huynh, nhằm tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

Hai câu chuyện có cùng chung “nút thắt”. Vấn đề tuy không mới, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có cách gỡ thật sự khiến ngành giáo dục chỉ hoạt động ở mức duy trì ổn định, thiếu tính đột phá và quyết tâm trong các kế hoạch đổi mới.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục