
Những năm cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, trên văn đàn Việt Nam có cuộc tranh luận tư tưởng qua cuộc họa thơ có một không hai trong lịch sử văn học. Đó là những bài thơ của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830-1910) lên án Tôn Thọ Tường qua 10 bài thơ “Cảm hoài”.
Cuộc bút chiến bằng thơ đặc sắc và độc đáo này góp phần vinh danh tinh thần yêu nước, vinh danh giá trị chân chính của văn học nghệ thuật.

Những năm 30, 45 của thế kỷ XX, khi phong trào Thơ Mới thăng hoa, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn giành chính quyền về tay nhân dân lao động, có những cuộc bút chiến nổ ra giữa trào lưu “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “Nghệ thuật vị nhân sinh” mà đại diện là những trí thức lớn- văn nghệ sĩ cách mạng nổi tiếng: Trần Huy Liêu (1901-1969), Hải Triều (1908-1954), Đặng Thai Mai (1902-1984)…
Từ “Đề cương văn hóa” của Đảng ta do đồng chí Trường Chinh (1907-1988) soạn thảo, mà khẩu hiệu “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” thực sự làm nền tảng, cơ sở cho quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, từ giành hòa bình, độc lập, tự do thống nhất đến phát triển và hội nhập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những 1939-1940 trong nhà tù Tưởng Giới Thạch đã viết: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông/Nay trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (“Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi”).
Chúng ta nhớ lại bài thơ bút chiến của những nhà thơ theo khuynh hướng “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “Nghệ thuật vị nhân sinh” sau đó.
Chỉ lấy một dẫn chứng, ở cuộc họa thơ giữa nhà thơ lãng mạn chủ nghĩa Xuân Diệu (Là thi sĩ) và nhà thơ Sóng Hồng, bút danh của đồng chí Trường Chinh khi làm thơ (Nếu thi sĩ). Những ý thơ của Sóng Hồng là lời phân tích sâu sắc, động viên ân tình và kêu gọi thiết tha. Ông đặt câu hỏi: “Nêu thi sĩ nghĩa là ru với gió”… và khuyến khích: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ…”.
Nhà thơ Chế Lan Viên sau này nhìn nhận: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp / Giấc mơ con đè nát cuộc đời con…” và khẳng định: “Cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời / Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy / Bên những dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi…”.
Sắp tới Ngày thơ Việt Nam, nhắc những cuộc thơ bút chiến trên văn đàn xưa để cùng suy ngẫm, âu cũng có ích lắm thay!
DẠ SINH