Mới đây nhất, Thủ tướng có Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ ngành, địa phương.
Năm nay, chúng ta phải giải ngân đầu tư công khoảng 28 tỷ USD, tương đương trên 630.000 tỷ đồng; trong đó các địa phương chiếm gần 80%. Chính phủ đặt mục tiêu phải giải ngân hết vốn đầu tư công của năm nay vì coi đó là đòn bẩy đưa nền kinh tế ra khỏi khó khăn sau Covid-19. Đầu tư công sẽ giải quyết được nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần cho tăng trưởng bởi cứ 1% đầu tư sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Đó là lý do mà Chính phủ kiên quyết, từ đầu tháng 8 tới sẽ điều chuyển vốn từ các bộ ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.
Đến thời điểm này, nhiều địa phương giải ngân vốn đầu tư công khá tốt, đạt từ 45% trở lên nhưng cũng có nhiều địa phương giải ngân rất chậm, chỉ dưới 20%. Khi họp về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng rất bức xúc, mỗi khi làm việc thì các địa phương, các bộ ngành đều xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình. Nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Thủ tướng từng chỉ rõ nguyên nhân, đó là do “bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”. Thực tế, địa phương nào quyết liệt vào cuộc, sát sao, trách nhiệm, dám nghĩ dám làm thì hiệu quả sẽ tốt. Đơn cử như Ninh Bình, đến nay đã giải ngân được khoảng 72% vốn đầu tư công (trong tổng số khoảng 3.000 tỷ đồng). Ninh Bình cam kết sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay và nếu có thêm nguồn được điều chuyển về, tỉnh cũng sẽ bố trí sử dụng và giải ngân hiệu quả. Kinh nghiệm của Ninh Bình là họp HĐND mỗi tháng một lần để điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác. Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy xuống cơ sở hỗ trợ chủ tịch UBND các huyện trực tiếp vận động hệ thống chính trị vào cuộc trong giải phóng mặt bằng. Hay tại Tiền Giang, khi cam kết thông xe đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm nay, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ dân trong diện phải giải tỏa, di dời. Điều đó giúp một công trình trì trệ trong 5 - 7 năm trước tháo gỡ ách tắc chỉ trong vòng 1 năm. Từ đó cho thấy, nếu địa phương dám nghĩ dám làm, mọi vướng mắc đều sẽ được tháo gỡ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên đã nêu rõ, nếu không có quyết tâm chính trị, sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của đồng chí bí thư cùng công tác điều hành của chủ tịch thì “bất thành”. Những khó khăn, vướng mắc đều phải có vai trò của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND. Ngay việc giải phóng mặt bằng mà không có hệ thống chính trị vào cuộc, không trực tiếp xử lý, đối thoại với dân thì sẽ không làm được, dù có tiền. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang mong chờ bộ ngành, địa phương tạo điều kiện cho họ. Rất nhiều dự án không hoạt động được nếu không kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng khuyến khích những bộ ngành, những địa phương dám nghĩ, dám làm, sáng tạo. Do đó, hơn lúc nào hết, các địa phương cần đưa ra cam kết đồng hành với Chính phủ, khắc phục tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo điều hành nhằm phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của địa phương cũng như cả nước; rất cần có nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy để phân công, đôn đốc cụ thể trách nhiệm của từng bộ phận, từng người, không nói chung chung. Và quan trọng nhất, cần khắc phục bệnh quan liêu, xa dân vốn được coi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, nhất là trong tác giải phóng mặt bằng mà Thủ tướng đã chỉ ra.