Các giáo sư, bác sĩ chỉ có chuyên môn y tế làm sao phát hiện được sai phạm kinh tế?

Vấn đề được nhiều ĐBQH coi là rất “đau lòng” là việc bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc làm quản trị giỏi, dẫn đến một số trường hợp bị xử lý thời gian qua; đề nghị xem xét tách bạch việc quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã cùng làm rõ vấn đề.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 10-11, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) hỏi: "Bộ trưởng nói sẽ phân công cấp phó phụ trách về kinh tế trong bệnh viện. Nhưng nếu xảy ra sai phạm thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm chứ! Hàng năm cơ quan chủ quản đều phải duyệt quyết toán với vốn sử dụng từ ngân sách, còn hoạt động từ vốn của đơn vị thì phải kiểm tra báo cáo tài chính mà không phát hiện ra sai phạm thì làm sao các giáo sư, bác sĩ chỉ có chuyên môn y tế làm sao phát hiện được”?

Các giáo sư, bác sĩ chỉ có chuyên môn y tế làm sao phát hiện được sai phạm kinh tế? ảnh 1 ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) . Ảnh: QUANG PHÚC 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời: “Theo quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu chịu trách nhiệm thiết lập cơ chế làm việc, kiểm tra, giám sát và triển khai công việc. Do vậy, nếu đơn vị xảy ra sai phạm thì dù trực tiếp hay gián tiếp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chúng ta rất đau lòng vì những sai phạm xảy ra, nhưng phải xử lý đúng quy định".

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật với cơ sở y tế toàn quốc. Nhưng với vấn đề nhân sự, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra thì do UBND các tỉnh, thành. Địa phương cũng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, nhưng chỉ mang tính chuyên môn; còn về kinh tế, đấu thầu, mua sắm do địa phương xử lý.

Thời gian qua, Bộ Y tế thường xuyên nhắc nhở các đơn vị phải chấp hành đúng quy định về quản lý đấu thầu, mua sắm.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói, các quy định hiện hành đã nêu rõ tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý ở đơn vị sự nghiệp. Nghị định của Chính phủ quy định khung, sau đó các Bộ chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành mình. Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định cụ thể chức năng, tiêu chuẩn bổ nhiệm trong ngành y. Nhưng thực tiễn, cũng có những vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế, nhân sự quản lý có năng lực chuyên môn, nhưng chưa có năng lực về quản trị.

Các giáo sư, bác sĩ chỉ có chuyên môn y tế làm sao phát hiện được sai phạm kinh tế? ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

“Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn, đảm bảo nhân sự lãnh đạo vừa có năng lực chuyên môn vừa có năng lực quản trị. Khi đang đẩy mạnh thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công, lãnh đạo cần có năng lực quản trị, đáp ứng yêu cầu của việc đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp y tế. Cũng cần làm rõ về tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của người đứng đầu với đơn vị sự nghiệp khi đang thực hiện tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa trong ngành y tế”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục