Vaccine tiêm cho trẻ em chắc chắn bảo đảm an toàn

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em được đưa ra sau khi Bộ tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với WHO, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc và các nhà khoa học; căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ đến trường 

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để khắc phục chênh lệch trong khám chữa bệnh giữa miền núi và đồng bằng. Liên quan đến đánh giá chuyên môn, khi người lớn đã làm việc bình thường nhưng trẻ em thì không, cử tri cho rằng thận trọng quá mức cần thiết, chưa đánh giá hết tình trạng của việc học sinh phải học trực tuyến. Từ góc độ chuyên môn, đề nghị Bộ trưởng đánh giá phản ánh của cử tri.

Vaccine tiêm cho trẻ em chắc chắn bảo đảm an toàn ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mới đây, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục-Đào tạo đã tổ chức hội nghị với các địa phương, tinh thần là "các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học".

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương có biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học trở lại, để vừa học nhưng cũng đảm bảo an toàn. Ông nói thêm, các địa phương không nên chờ vaccine mới mở cửa trường học vì “hiện chỉ tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên, trẻ 6-11 tuổi không nên chờ”.

Theo người đứng đầu ngành y tế, rủi ro ở lứa tuổi 6-11 không lớn. Bộ trưởng phát biểu: "Chúng tôi khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ 1, 2".

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Nghị quyết 128 nêu rõ cấp độ 1 đi học bình thường, nhưng đến nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này; vùng cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến.

ĐB Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đề cập đến công tác dự báo mà ông coi là có vai trò hết sức quan trọng trong chống dịch và đề nghị Bộ trưởng cho biết công tác dự báo thời gian qua ra sao, từ nay đến năm 2022, Bộ dự báo tình hình như thế nào.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: “Đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ, rất khó để dự báo chính xác, đặc biệt là virus luôn biến chủng, trong đó biến chủng Delta lây lan cực nhanh. Tuy nhiên, WHO đã từng đưa ra dự báo là dịch chưa thể kết thúc trong năm 2022 và nếu thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch thì có thể cuối năm 2023 sẽ trở thành một loại bệnh như cúm mùa, không cần phải có sự chăm sóc đặc biệt. Để công tác dự báo tốt hơn, chúng tôi sẽ tăng cường kết nối với WHO, với các tổ chức quốc tế và theo dõi chặt chẽ, sát sao diễn biến trên toàn quốc để đưa ra những dự báo ngắn hạn sát thực tế nhất”.

Vaccine tiêm cho trẻ em chắc chắn bảo đảm an toàn ảnh 2 Các ĐBQH tham gia phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Có trạm y tế xã chỉ được phân bổ ngân sách 10 triệu đồng/năm

Các ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Về tăng cường năng lực y tế cấp xã, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hệ thống y tế đã sắp xếp, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế, nhưng không đáp ứng được khi tình hình dịch xảy ra phức tạp. Năng lực y tế cơ sở, nhất với tuyến xã, chỉ có 48,4% các trạm y tế đảm bảo thực hiện dịch vụ cơ bản. Một số địa phương thậm chí đã giải thể trạm y tế phường, thị trấn.
Việc đầu tư cho y tế cơ sở còn hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ; chủ yếu là nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng với nhu cầu hiện tại, số lượng trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa huyện được đầu tư xây mới cơ sở hạ tầng theo đúng quy chuẩn thiết kế còn thấp, dẫn đến khả năng cung ứng dịch vụ thiết yếu, cơ bản trong chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, nhất là khi có dịch bệnh, thiên tai, thảm họa xảy ra.
“Chúng ta chưa có cơ chế tài chính hữu hiệu để tạo động lực cho y tế cơ sở phát triển: số lượng và phương thức phân bổ ngân sách nhà nước dựa trên đầu vào (biên chế, giường bệnh, chi hành chính…) còn thấp (10-20 triệu đồng/trạm/năm), có địa phương còn không bố trí đủ 10 triệu đồng”, Bộ trưởng trần tình.
Nhân lực y tế cơ sở hiện cũng rất thiếu, nhất là chức danh bác sĩ; chế độ chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, chưa tạo ra sự khác biệt lớn để khuyến khích cán bộ y tế về tuyến cơ sở…
Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm hơn, đảm bảo người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe.
“Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hiện nay theo đào tạo chung, hiện mỗi năm có gần 7.000 bác sĩ ra trường, nhưng cũng không thể đẩy nhanh tốc độ đào tạo, do năng lực của các trường cũng có giới hạn”.
Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ đổi mới căn bản toàn diện công tác đào tạo bác sĩ y khoa, tối ưu hoá việc sắp xếp, sử dụng nhân lực. Nghiên cứu đề xuất thành lập trạm y tế theo cụm dân cư và quy mô dân số; thí điểm trung tâm y tế huyện thuộc UBND huyện quản lý; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị y tế tuyến y tế cơ sở…
Vaccine tiêm cho trẻ em chắc chắn bảo đảm an toàn
Băn khoăn về ý kiến cho rằng vaccine chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này. “Xin Bộ trưởng cho biết cơ sở khoa học để Bộ triển khai tiêm vaccine đại trà cho trẻ em 12-17 tuổi để cử tri yên tâm”, ông nói.
Vaccine tiêm cho trẻ em chắc chắn bảo đảm an toàn ảnh 3 ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em được đưa ra sau khi Bộ tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với WHO, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc và các nhà khoa học; căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Hiện loại vaccine này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia. Cách làm của các nước cũng như chúng ta là tiêm lứa tuổi cao xuống thấp, tiêm cho nhóm có nguy cơ, bệnh lý nền, sau đó mở rộng.
Vaccine duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer-BioNTech theo công nghệ mRNA. Cơ chế tác động của vaccine này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người và giúp cơ thể sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào.
Theo bộ trưởng, do không có sự xâm nhập trực tiếp của vaccine vào ADN của người, cho nên những ý kiến nói rằng nó có thể gây đột biến, ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ đến thời điểm hiện nay đã được FDA, CDC Hoa Kỳ khẳng định không có.
“Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi sát sao. Tất cả vaccine cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới, đã được tham khảo tổ chức quốc tế khi quyết định dùng cho trẻ em", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Tin cùng chuyên mục