Các huyện ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu công trình, sà lan,...) còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi trú tránh an toàn, rà soát kỹ, kiên quyết không để tàu thuyền neo đậu tại vùng không an toàn, hướng dẫn việc neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú, tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại, tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú.
Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản và nhu yếu phẩm cho người dân trên đảo Cồn Cỏ; an toàn lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển và đất liền; không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi có gió bão mạnh từ cấp 8 trở lên.
Duy trì thông tin liên lạc với các chủ các phương tiện, tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, không cho tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 17-12 (tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường khi thời tiết nguy hiểm trên biển kết thúc).
Theo báo cáo nhanh, vào 4 giờ sáng nay, các Đồn Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã tổ chức bắn pháo hiệu để thông báo cho tàu thuyền vào bờ.
Theo thống kê, đến sáng nay, tỉnh Quảng Nam còn 27 tàu hoạt động trên biển với 223 ngư dân, những tàu này đã được thông báo về đường đi của bão RAI.
* Ngày 17-12, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với cơn bão RAI đang sắp vào Biển Đông.
Theo đó, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 14 giờ ngày 17-12; thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão và tổ chức sắp xếp, neo đậu hợp lý, tránh va đập.
Đồng thời, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 16 giờ ngày 17-12. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
* Tại tỉnh Bình Thuận, theo Ban Chỉ huy Phòng PCTT-TKCN tỉnh, tính đến chiều 16-12, toàn tỉnh có 201 tàu hoạt động xa bờ với hơn 1.503 lao động, 1.059 tàu hoạt động gần bờ với hơn 6.660 lao động, 50 phương tiện thủy nội địa neo đậu tại các bến và hơn 100 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ngành chức năng tỉnh cũng đã thông tin về cơn bão RAI đến các chủ phương tiện, ngư dân.