Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng: Hạn chế cả quyền lực lẫn tài chính

(SGGP). – Ngày 27-2, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp với Câu lạc bộ Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP tổ chức hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về mô hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam”.

Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động lẫn nhau, đồng thời thảo luận, góp ý kiến về những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động để hoàn thiện khung pháp luật có liên quan. Nhiều tổ chức tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lãnh đạo ban ngành liên quan đã đến tham dự.

Hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cho rằng, trong tình hình Việt Nam hội nhập sâu vào “sân chơi” thương mại toàn cầu, có rất nhiều vấn đề nảy sinh liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng cần được bảo vệ. Trong khi đó, thực tế hoạt động của các hội còn rất hạn chế cả về quyền lực lẫn tài chính.

Do đó, để vai trò của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được nâng cao hơn, góp phần mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, điều cần kíp nhất là sự giúp sức từ các tổ chức chính quyền liên quan; sớm hoàn thiện khung pháp lý…

Mặt khác, các cơ quan liên quan và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng như người dân cần có một sự phối hợp hỗ trợ nhịp nhàng, chặt chẽ với nhau thì mới phát huy toàn bộ sức mạnh cộng đồng.

Các đại biểu cũng kiến nghị, cần sớm ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng thay cho pháp lệnh hiện hành; quy định rõ vai trò, thẩm quyền của các tổ chức xã hội, hiệp hội trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các quy định cụ thể về xử lý hành chính, tố tụng dân sự, hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng…

L. PHONG

Tin cùng chuyên mục