Dường như bị ám ảnh bởi thực tế tuyển sinh khó khăn của năm trước, kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường đã đưa ra những hình thức xét tuyển linh hoạt nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho những thí sinh (TS) đạt điểm cao và có nguyện vọng học tập tại trường. Điều dễ nhận thấy là trong khi các trường dân lập không tổ chức thi, chủ yếu xét tuyển bằng sàn, các chiêu hút TS lại được tung ra khá dồn dập ở các trường đại học (ĐH) công lập.
Nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh
Kỳ tuyển sinh năm nay, có thể thấy hình thức phổ biến mà nhiều trường áp dụng là cho phép TS không đủ điểm vào ngành đăng ký dự thi thì được chuyển sang ngành khác cùng nhóm còn chỉ tiêu. Những trường áp dụng hình thức xét tuyển này có thể kể đến ĐH Ngoại thương, ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Công đoàn, ĐH Hàng hải... Rõ ràng, đây đều là những trường có thương hiệu, nhưng đã không ngần ngại đưa ra các chương trình chiêu sinh nhằm tuyển chọn được những TS tốt nhất cho mình.
ĐH Kinh tế quốc dân có 2 phương thức xét tuyển, đó là xét tuyển theo chuyên ngành; xét tuyển theo điểm sàn vào trường và theo từng khối thi. Nếu TS đủ điểm vào chuyên ngành đã đăng ký ban đầu thì không phải đăng ký xếp chuyên ngành sau khi nhập trường. Nếu TS đủ điểm sàn vào trường theo từng khối thi nhưng không đủ điểm tuyển vào ngành/chuyên ngành đã đăng ký ban đầu thì được đăng ký vào chuyên ngành còn chỉ tiêu, cùng khối thi, khi trường tổ chức xếp chuyên ngành. Trường ĐH Bách khoa – Đà Nẵng cũng cơ bản xét trúng tuyển với hình thức tương tự.
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội xét điểm chuẩn trúng tuyển theo khối thi và nhóm ngành. Bên cạnh điểm chuẩn cho từng nhóm ngành, trường sẽ đưa ra điểm sàn cho mỗi khối thi. TS không đạt điểm chuẩn vào nhóm ngành đăng ký nhưng đạt điểm sàn của khối thi sẽ được xét tuyển vào một nhóm ngành hoặc vào chương trình có điểm chuẩn thấp hơn nếu TS có nguyện vọng.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội cũng công bố: điểm trúng tuyển theo ngành kết hợp với điểm trúng tuyển vào trường theo khối thi. TS đạt điểm trúng tuyển vào trường theo khối thi nhưng không đủ điểm vào ngành đăng ký dự thi sẽ được chuyển vào ngành khác của trường cùng khối thi nếu còn chỉ tiêu. Các chương trình đào tạo tài năng, đạt trình độ quốc tế, tiên tiến và chất lượng cao tuyển sinh những TS đã trúng tuyển đại học khối A năm 2011 và có kết quả thi cao. Ngoài các TS đăng ký trực tiếp, các TS trúng tuyển vào các ngành học khác với kết quả thi cao sẽ được xét tuyển bổ sung vào các ngành học này.
Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho phép TS dự thi khối V được đăng ký dự thi thêm môn hóa (khối A) để xét tuyển NV1B vào các ngành tuyển khối A của trường này. Trong trường hợp TS không trúng tuyển khối V sẽ được trường xét tuyển vào ngành mà TS đăng ký NV1B khối A.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng thông báo đào tạo cùng lúc hai chương trình. Theo đó, sau năm học thứ nhất trở đi, nếu có nguyện vọng, sinh viên được đăng ký học thêm một chương trình đào tạo thứ 2 ở các đơn vị đào tạo trong ĐH Quốc gia Hà Nội để khi tốt nghiệp được cấp 2 văn bằng đại học chính quy...
Bổ sung các chế độ hấp dẫn
Ngoài việc tung ra các phương thức tuyển sinh linh hoạt hơn, các trường công lập cũng đồng loạt đưa các chương trình hấp dẫn TS.
ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo những ưu đãi cho những sinh viên được lựa chọn vào chương trình đào tạo tài năng, chương trình đào tạo chất lượng cao vào trường. Cụ thể, năm nay trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội tuyển sinh viên đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản cho chương trình đào tạo tài năng các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Sau khi trúng tuyển nhập học, sinh viên được đăng ký xét tuyển vào học chương trình đào tạo tài năng theo quy định riêng. Ngoài các chế độ dành cho sinh viên chính quy đại trà, sinh viên học chương trình đào tạo tài năng được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở miễn phí trong ký túc xá của ĐH Quốc gia Hà Nội. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân tài năng.
Hàng loạt trường đại học công lập hàng đầu cũng mời gọi sinh viên vào các chương trình đào tạo chất lượng cao. Tại đây, TS sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo. Nhiều trường ngoài công lập cũng cố gắng hút TS bằng chính sách riêng của mình. Trường Đại học FPT công bố đào tạo kĩ sư công nghiệp, cử nhân quản trị kinh doanh theo hình thức áp dụng các chuẩn đào tạo quốc tế như ACM, AACSB (Hoa Kỳ), liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu - triển khai và các xu thế công nghệ hiện đại nhất. Toàn bộ sinh viên đi thực tập thực tế hưởng lương tại các doanh nghiệp từ năm thứ 3. Hàng năm, trường cấp nhiều học bổng cho các học sinh giỏi quốc gia, TS xuất sắc và cấp tín dụng ưu đãi đến 90% học phí cho các TS có hoàn cảnh khó khăn. Tương tự, Đại học dân lập Hải Phòng tuyên bố những học sinh đạt khá và giỏi ở THPT có NV1 thi vào trường đạt điểm thi tuyển sinh từ 21 hoặc 24 trở lên sẽ được hưởng học bổng tương đương với 80% hoặc 100% học phí của trường trong suốt 4 năm.
Theo đánh giá chung, cuộc đua hút TS giữa các trường đại học ngày càng quyết liệt hơn, kể cả giữa các trường công lập và ngoài công lập. Khi TS được mời gọi, dĩ nhiên gia tăng cơ hội cho các em. Nhưng câu hỏi đằng sau đó vẫn là bài toán chất lượng giáo dục đại học.
PHAN THẢO