Các trường đua nhau mở ngành mới

Năm 2019 cùng với việc bổ sung các phương án xét tuyển mới, nhiều cơ sở đào tạo (trường) mở thêm những ngành học mới. Nhiều trường đang mạnh dạn tuyển mới ngành kỹ thuật, công nghệ, robot và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đón đầu xu thế cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Những ngành học “hot”

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được một số trường đại học và cao đẳng mở mới trong năm 2019, như Trường Đại học (ĐH) Quốc tế Hồng Bàng và Trường ĐH Hoa Sen tại TPHCM. Ngay cả Trường Cao đẳng Viễn Đông cũng tuyển sinh ngành Logistics. Đây là những ngành kỹ thuật mà trước đây chỉ có một số trường tại TPHCM có như Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM... mới tuyển sinh.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: Năm 2019, trường sẽ thí điểm tuyển sinh ngành học mới về robot và trí tuệ nhân tạo, đào tạo hoàn toàn miễn phí kỹ sư tài năng về lĩnh vực này. Đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam, tập trung đào tạo kỹ sư chuyên ngành sâu về robot và trí tuệ nhân tạo.

Các trường đua nhau mở ngành mới ảnh 1 Những ngành mới mở về nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ phải được đảm bảo 
các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất
Với khóa đầu tiên, nhà trường chỉ tuyển 20 chỉ tiêu và miễn 100% học phí. Thí sinh đạt điểm thi THPT quốc gia 2019 từ 24 điểm trở lên có thể nộp đơn xét tuyển vào ngành này. Nhà trường ưu tiên thí sinh các trường THPT chuyên, đoạt giải sáng tạo khoa học - công nghệ trong và ngoài nước.

Một số trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh thêm các ngành mới gồm: Trường ĐH Kinh tế - Luật sẽ tuyển mới ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật Tài chính - Ngân hàng (hệ chất lượng cao); Trường ĐH Quốc tế tuyển thêm ngành Kế toán; Trường ĐH Công nghệ Thông tin tuyển mới ngành Thương mại điện tử (hệ chất lượng cao); Khoa y mở thêm ngành Dược, Răng hàm mặt (hệ chất lượng cao); Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn tuyển mới các ngành Truyền thông đa phương tiện, Quản lý thông tin; Trường ĐH Bách khoa mở mới một số chuyên ngành trong các ngành.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM vừa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo bậc ĐH ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trong năm 2019. Trường cũng dự kiến mở thêm 2 ngành mới là Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng... 

Phải đảm bảo chất lượng đào tạo

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Nhu cầu ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng hiện nay là rất lớn. Cả nước hiện có 1.800 doanh nghiệp (20% doanh nghiệp nước ngoài) hoạt động trong lĩnh vực vận tải, lưu kho, xuất nhập khẩu. Đặc thù của ngành này yêu cầu người học phải được trang bị các kỹ năng, có kỹ năng thực hành, thực tập về cảng, cần trục, băng chuyền, xuất nhập khẩu, kỹ năng máy tính…

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo phải có đội ngũ có kinh nghiệm, đồng thời phải có các phòng thực hành mô phỏng đủ lớn để người học thực hành. Do đó, nếu không có đủ đội ngũ giảng viên và mở ngành theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” thì chắc chắn không đảm bảo được chất lượng đào tạo. Vì vậy, khi mở ngành này, trường đã có 7 chuyên gia (trong đó có tôi) trong lĩnh vực này để đảm bảo đội ngũ giảng viên theo quy định mở ngành của Bộ GD-ĐT”.

Giải đáp những thông tin về ngành Robot và trí tuệ nhân tạo, PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: Hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 đòi hỏi một lực lượng nhân lực ngành Robot và trí tuệ nhân tạo có chất lượng cao.

Đây là ngành đón đầu kỷ nguyên số tương lai như một nhu cầu cấp thiết, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho sự phát triển về khoa học và công nghệ của đất nước. Ngành này là sự kết hợp liên ngành giữa Cơ khí, Điện tử - viễn thông, Công nghệ thông tin và sự hỗ trợ của các ngành liên quan khác như Sinh học, Công nghệ nano, Chế tạo máy, Hóa học…

Chương trình đào tạo gồm 132 tín chỉ đào tạo trong 4 năm. Theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị năng lực làm việc nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo. Kỹ sư trình độ ĐH chuyên ngành này sẽ tập trung nghiên cứu cấu trúc của hệ thống robot và AI nhằm chuẩn bị nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường việc làm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chương trình sẽ học từ mức độ cơ bản đến nâng cao về robot và AI của hệ thống, bao gồm các ứng dụng của robot, mô hình thực - ảo, hệ thống động lực học, hệ thống cảm biến robot, lập trình hướng đối tượng, hệ thống IoT và hệ thống thực tế ảo 3D. Ngoài ra, sinh viên cũng được cung cấp kiến thức để phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo sử dụng cho robot như phần mềm thông minh cho kinh doanh hoặc trò chơi…

Về đội ngũ giảng dạy, PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh cho biết, nhà trường cũng đã làm việc với các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng chương trình mang tính chất cập nhật, hiện đại, thực tiễn. Với đội ngũ giảng dạy không chỉ trong trường mà còn là các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về ngành robot cũng như trí tuệ nhân tạo.

Theo PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM), với những ngành mới mở ở một số trường thành viên, hội đồng tuyển sinh của ĐH Quốc gia sẽ thẩm định rất kỹ khi mở ngành. Cùng với điều kiện mở ngành theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, những ngành mới cũng phải đáp ứng các quy định mở ngành của ĐH Quốc gia TPHCM thì các trường, khoa thành viên mới được phép tuyển sinh ngành mới.

 

Thông tư 22 về điều kiện mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT quy định: Các ngành nói chung (không phải là các ngành đặc thù) phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo. Trong đó, có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

Đối với những ngành thuộc nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài (trừ các ngành ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc) phải có ít nhất 6 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 1 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Tin cùng chuyên mục