Cách mạng giảng dạy ở xứ Phù Tang

Hai mí mắt nặng trĩu, chỉ chực sụp xuống; cô bạn học bên cạnh không buồn ngước mắt lên bục giảng, khư khư ôm điện thoại nhắn tin. Lại thêm tiết học nữa với một giảng viên mà chúng tôi thường đùa với nhau rằng không phải dân ngành y sao… gây mê giỏi quá! Ngủ gật trong giờ học đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” từ nhiều năm qua tại các trường đại học ở Nhật Bản. Sinh viên không hứng thú với môn học do thầy cô giáo tuy có trình độ cao nhưng lại thiếu kỹ năng truyền đạt kiến thức, giao tiếp trong lớp học.

Hai mí mắt nặng trĩu, chỉ chực sụp xuống; cô bạn học bên cạnh không buồn ngước mắt lên bục giảng, khư khư ôm điện thoại nhắn tin. Lại thêm tiết học nữa với một giảng viên mà chúng tôi thường đùa với nhau rằng không phải dân ngành y sao… gây mê giỏi quá! Ngủ gật trong giờ học đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” từ nhiều năm qua tại các trường đại học ở Nhật Bản. Sinh viên không hứng thú với môn học do thầy cô giáo tuy có trình độ cao nhưng lại thiếu kỹ năng truyền đạt kiến thức, giao tiếp trong lớp học.

Quyết tâm khắc phục thực trạng này, Trường Đại học Tokyo đã thử áp dụng khóa học mới cho các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp với mục đích cải thiện phương pháp giảng dạy. Học xong những lớp này, sinh viên sẽ biết cách soạn một dàn ý cho bài giảng, dẫn dắt các cuộc thảo luận, xây dựng các nhóm diễn thuyết và truyền tải các bài giảng đến người nghe sao cho lôi cuốn nhất. Khóa học này sẽ giúp người học năng động hơn, hướng tới thay đổi nếp giảng dạy bao lâu nay: giảng viên là trung tâm của lớp học.

Sáng kiến của Đại học Tokyo khiến sinh viên mừng rơn, đặc biệt những ai phải vùi đầu vào các ngành học nặng về lý thuyết mà nếu học theo lối cũ chẳng khác gì tra tấn. Hình ảnh sinh viên và giảng viên thoải mái trao đổi ý kiến tại các trường đại học của châu Âu, sinh viên là hạt nhân của lớp học luôn “ám ảnh” những sinh viên như tôi. Nhưng theo một thông tin trên tờ Japan Times, không phải tự nhiên môi trường học tập của châu Âu hấp dẫn như vậy. Giáo dục tại lục địa già cũng từng trải qua thời kỳ “gây mê” như Nhật Bản hiện nay. Điều quan trọng, các trường đại học châu Âu đã sớm nhận ra và cho thiết lập các trung tâm giúp những giáo sư, giảng viên của họ hoàn thiện kỹ năng giao tiếp với sinh viên, tạo cho các giảng viên động lực truyền cảm hứng đến sinh viên để mỗi tiết học, môn học trở nên ý nghĩa. Bước khởi đầu của Đại học Tokyo đang được xem là đi đúng hướng.

Rất nhiều chuyên gia giáo dục của Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ cách làm mới mẻ của Đại học Tokyo, xem đây là mô hình cần được nhân rộng. Nhiều ý kiến cho rằng khóa học về phương pháp giảng dạy phải là một trong những điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp. Nếu muốn ra trường, các sinh viên phải có chứng chỉ phương pháp giảng dạy. Kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp các sinh viên có được sự cạnh tranh tốt hơn trong thị trường việc làm đầy khắc nghiệt. Mô hình giáo dục đại học cần chú trọng, đề cao chất lượng thu được trong quá trình học tập chứ không phải là điểm và các kỳ thi. Để như vậy, sinh viên phải có hứng thú với những con chữ khô khan, qua đó lĩnh hội kiến thức một cách thoải mái, hiệu quả nhất. Và không có cách nào khác, giảng viên phải là người truyền lửa. 

Không biết sáng kiến của Đại học Tokyo, ngôi trường hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học của Nhật Bản, có sớm thành công hay không nhưng sự chuyển mình này đúng là một tín hiệu đáng mừng. Mừng ở chỗ điểm yếu bao lâu nay đã được công khai nhìn nhận ra và đã có quyết tâm sửa sai. Có thể mình không được hưởng thành quả của sự đổi mới này bởi sắp tốt nghiệp rồi, nhưng hạnh phúc lắm nếu các thế hệ con, em của mình trong tương lai được trải qua môi trường học tập thực sự thú vị, hiệu quả

Đức Hoàng

Tin cùng chuyên mục