Cải cách thể chế kinh doanh

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 được công bố hôm qua đem lại nhiều suy nghĩ trong việc điều hành kinh tế của các tỉnh. Đó là sự sụt giảm của PCI từ 59,15 điểm (năm 2011) còn 56,2 điểm (năm 2012), số điểm thấp nhất kể từ khi quy chuẩn lại điểm số năm 2009. Không có địa phương nào đạt đến ngưỡng 65 điểm dành cho tỉnh có chất lượng điều hành “xuất sắc”.
 
Việc không có tỉnh nào được xếp hạng “rất tốt” trong khi các năm trước 8 địa phương (chưa kể 3 tỉnh ở nhóm tương đối tốt, trong khi năm 2011 có 1 địa phương) cho thấy, dường như khả năng điều hành kinh tế của các địa phương không có sự tiến bộ. Sự sụt giảm điểm số PCI tổng thể bắt nguồn từ giảm điểm số của các tỉnh. Và điểm số của tỉnh giảm là do sự sụt giảm của nhiều chỉ tiêu thành phần. Nói cách khác, doanh nghiệp trên cả nước đều có chung cảm nhận chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh mình đã sụt giảm.

Xem xét kết quả nghiên cứu PCI 2012 còn cho thấy, sự tăng điểm của các tỉnh có thứ hạng thấp trên bảng xếp hạng và giảm điểm ở các tỉnh đứng đầu, đã tạo ra hiện tượng thu hẹp khoảng cách. Điều này được nhìn nhận là các tỉnh nhóm dưới đang học hỏi cách làm của các tỉnh nhóm trên để cải thiện môi trường đầu tư ở địa phương mình. Nhưng điều này cũng cho thấy, các tỉnh có thứ hạng cao lại đang chật vật để tiến lên và trên thực tế không ít tỉnh đã tụt hạng ở những lĩnh vực khó cải cách mà Việt Nam đang hướng tới nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Điều đáng thất vọng còn được thể hiện ở chỗ chất lượng điều hành đang sụt giảm và hội tụ quanh số điểm trung bình. Nghiên cứu PCI còn chỉ ra không có nhiều bằng chứng cho thấy các tỉnh “ngôi sao” cải thiện điểm số nhờ các sáng kiến cải cách địa phương.

Thực tế trên cho thấy, “sự lúng túng của các địa phương trong cải cách” và “cần có động lực cải cách mạnh mẽ hơn trong thể chế kinh doanh” như cách nói của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Nhưng để có được những cải cách mạnh mẽ không hề dễ. Bởi lẽ, những lĩnh vực được coi dễ cải cách như thủ tục gia nhập thị trường, chi phí thời gian không còn nhiều dư địa.

Trong khi đó, những chỉ tiêu quan trọng khác như tính minh bạch, chi phí không chính thức, nguồn nhân lực để doanh nghiệp có sự phát triển bền vững lại không dễ thực hiện và đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn.

Minh chứng cho điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI), cho biết tính minh bạch hiện chưa được cải thiện nhiều. Chẳng hạn như tiếp cận kinh doanh. Nhóm nghiên cứu từng đưa ra các thông tin về kinh doanh để hỏi doanh nghiệp thì nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại là nhóm thông tin về văn bản pháp luật, ưu đãi đầu tư khả năng tiếp cận của doanh nghiệp lại giảm so với trước.

Bên cạnh đó, việc tiên liệu trong thực thi chính sách của các tỉnh giảm mạnh, từ 14,91% năm 2005 còn 6,6% năm 2012; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia đóng góp chính sách pháp luật cũng giảm mạnh và còn hơn 13%.

Việc chất lượng điều hành kinh tế, theo đánh giá của doanh nghiệp, có sự sụt giảm nghiêm trọng (đặc biệt ở các địa phương trước đây có chất lượng điều hành tốt) thể hiện hai mặt của vấn đề. Một mặt, chất lượng điều hành kinh tế giảm sút có thể tác động xấu đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, cũng phải thừa nhận tình hình kinh tế khó khăn vài năm qua và kết quả kinh doanh giảm sút đã tăng thêm gam màu ảm đạm trong cảm nhận của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có thể trở nên hoài nghi hơn các quyết sách của chính quyền địa phương và tỏ ra ít kiên nhẫn hơn với các trở ngại do thủ tục hành chính gây ra so với trước đây. Song, dù thế nào chăng nữa, thực tế trên cũng đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền trung ương và các địa phương trong việc phối hợp chống tham nhũng, tăng tính công khai và minh bạch… bởi những thách thức này đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục