Thông tin tại hội nghị giao ban trực tuyến về việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính (TTHC) 4 tháng đầu năm do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 14-5 cho thấy, đến nay các bộ đã ban hành 29 văn bản, cắt giảm hơn 3.400 điều kiện kinh doanh; đã trình, ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa trên 6.700 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành; giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương tương trên 6.300 tỷ đồng.
Việc đưa 126 thủ tục hải quan tham gia một cửa quốc gia, ASEAN trong năm 2018 đã có kết quả toàn diện, đột phá nhất từ trước tới nay trong thực hiện cải cách lĩnh vực hải quan. Lũy kế trong 4 năm qua, số thủ tục tham gia cơ chế một cửa đã đạt 97%. Dự kiến cuối năm nay, các bộ, ngành sẽ kết nối 100% thủ tục, đạt cấp độ 4 (thanh toán chi phí) lên cơ chế một cửa. Tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã giảm mạnh từ 35% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu xuống còn 19,1% trong vòng 3 năm. Đây là tác động rất lớn, chưa kể đến những cái lợi không thể đong đếm được là giúp doanh nghiệp hứng khởi hơn trong kinh doanh. Điển hình trong đó là Bộ Xây dựng. Từ cải cách TTHC, áp dụng mô hình một cửa tập trung, bộ này đã hoàn thành toàn bộ 100% hồ sơ hành chính. Hay như tỉnh Quảng Ninh, đã thực hiện cải cách hành chính 5 năm nay, với 14 đơn vị cấp huyện và 1 trung tâm hành chính cấp tỉnh. Mô hình này hoạt động rất hiệu quả với “4 tại chỗ”, từ tiếp nhận hồ sơ, đến thẩm định, phê duyệt và trả kết quả ngay.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trên, vẫn còn một số bộ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, đơn giản hóa TTHC, như: Bộ Giao thông Vận tải còn 3 nghị định, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp mỗi bộ còn 1 nghị định… Báo cáo giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng chỉ ra danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều, khi đến tháng 3, còn tới 70.087 mặt hàng (dù đã giảm 12.611 mặt hàng). Không những không giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, có bộ ngành còn tăng số lượng mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý như: cơ yếu, trang thiết bị y tế…
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hiện Văn phòng Chính phủ và nhiều địa phương đã áp dụng quản lý hồ sơ bằng phần mềm điện tử, không có hồ sơ giấy. Đối với mô hình trung tâm hành chính công hoạt động hiệu quả, Văn phòng Chính phủ sẽ đề nghị Thủ tướng cho thí điểm. Trung tâm hành chính này phải giải quyết thủ tục “4 tại chỗ”, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cắt giảm mạnh TTHC, đăng ký kinh doanh thực chất và theo hướng Chính phủ kiến tạo, minh bạch. Cải cách hành chính phải đi vào những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Những thủ tục, dịch vụ công nào người dân, doanh nghiệp đang bức xúc nhất thì phải xem xét làm trước, đơn cử như các thủ tục về cấp đăng ký khai sinh, lập doanh nghiệp, cấp đăng ký kinh doanh.
Hiện Việt Nam là một trong 3 quốc gia trong khu vực triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Chủ trương của Chính phủ rất rõ ràng, đó là quản lý nhà nước vẫn phải đảm bảo, nhưng không lấy lý do này tạo ra rào cản phát triển, tăng chi phí của doanh nghiệp, người dân. Điều cần thiết hiện nay là sớm công bố các bộ thủ tục và tiến tới số hóa, công khai; cùng với đó là cải cách quy trình, cắt giảm thủ tục không cần thiết trong bộ hồ sơ. Trong vấn đề này, chỉ khi xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu thì việc cải cách mới thực sự hiệu quả. Thực tế đã cho thấy, ở đâu lãnh đạo địa phương tích cực thực hiện cải cách hành chính thì hiệu quả đem lại sẽ cao hơn rất nhiều. Cải cách TTHC, cắt giảm thủ tục và danh mục mặt hàng kiểm tra phải thực chất, không được máy móc, không được để lợi ích nhóm lợi dụng, chi phối. Cải cách TTHC là dư địa tăng trưởng, nếu làm tốt thì đó là điều kiện rất quan trọng cho phát triển.