Đã có nhiều hậu quả nghiêm trọng xảy ra sau khi chiếc smartphone bị giật mất hoặc ai đó “cầm giúp” có chủ đích. Trong trường hợp này nếu người dùng không kịp thời báo với nhà mạng khóa SIM, kẻ xấu có thể lấy SIM gắn vào điện thoại khác, thực hiện các giao dịch ngân hàng, nhắn tin lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt các tài khoản trực tuyến bằng cách reset mật khẩu qua số điện thoại, kể cả tài khoản có bảo mật 2 lớp bằng cách nhận mã xác thực qua số điện thoại.
Để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra, chúng ta nên bật khóa PIN cho SIM. Khi được kích hoạt, mỗi lần mở máy hoặc lắp SIM vào điện thoại khác sẽ phải nhập mã PIN. Nếu người dùng bị mất SIM hoặc ai đó cố gắng sử dụng SIM “không chính chủ” trên điện thoại khác thì họ sẽ không thể dùng được trừ khi nhập đúng mã PIN.
Để cài đặt mã PIN, đối với iPhone thì vào cài đặt > mục Phone > Sim Pin. Còn với các máy Android, người dùng cũng vào phần Cài đặt > Cài đặt bảo mật > Thiết lập khóa thẻ SIM và kích hoạt tính năng này để nhập mã PIN. Khi kích hoạt tính năng này, máy sẽ yêu cầu nhập mã PIN hiện tại. Với những người lần đầu sử dụng, mã PIN thường do nhà mạng thiết lập sẵn, do đó chỉ cần nhập mã PIN cho đúng với nhà mạng đang sử dụng. Mã PIN mặc định của Viettel sẽ là 0000, VinaPhone là 1234 và MobiFone là 1111 hoặc 0000… và sau đó, ta đổi mã PIN chỉ riêng mình biết.
Tuy nhiên, có một số trường hợp mã PIN đã bị thay đổi trước đó, do vậy nếu nhập sai SIM sẽ bị khóa. Lúc này người dùng cần gọi lên tổng đài để được cung cấp lại mã PUK. Với mã PUK này, khi nhập sai 9 lần SIM sẽ tự hủy. Khi gọi lên tổng đài người dùng sẽ phải cung cấp các thông tin cá nhân, lịch sử cuộc gọi… để lấy mã PUK nên cần kiên nhẫn, thực hiện theo các yêu cầu từ tổng đài nhà mạng.