Cải tạo chung cư cũ, phải để người dân làm chủ

Sau gần 7 năm thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ (CCC), đến thời điểm này, hàng vạn người dân vẫn đang phải sinh hoạt chật chội, thiếu tiện nghi và nguy hiểm trong những tòa chung cư được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vì sao việc cải tạo CCC lại khó khăn đến vậy và đâu là hướng giải quyết, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (XDVN) xung quanh vấn đề này.

Sau gần 7 năm thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ (CCC), đến thời điểm này, hàng vạn người dân vẫn đang phải sinh hoạt chật chội, thiếu tiện nghi và nguy hiểm trong những tòa chung cư được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vì sao việc cải tạo CCC lại khó khăn đến vậy và đâu là hướng giải quyết, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (XDVN) xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên: Theo kế hoạch, việc cải tạo CCC lẽ ra phải hoàn thành vào năm 2015, tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình cải tạo CCC tại Hà Nội và TPHCM vẫn giậm chân tại chỗ với bộn bề khó khăn, vướng mắc. Theo ông, căn nguyên sâu xa của tình trạng này là gì?

>> Ông PHẠM SỸ LIÊM: Tôi cho rằng chủ trương cải tạo CCC là đúng đắn và cần thiết nhưng vấn đề nằm ở chỗ giải pháp thực hiện. Quá trình thực hiện cải tạo CCC ở các địa phương thời gian qua đã nảy sinh ra rất nhiều vấn đề bất cập. Cơ chế chưa rõ ràng, chặt chẽ đã khiến quyền lợi các bên liên quan mâu thuẫn nhau. Chính quyền thì lúng túng, người dân thì cho rằng mình bị thiệt thòi, doanh nghiệp thì không đủ mạnh và cũng chưa thấy lợi nhuận hấp dẫn…

Vướng mắc nhất hiện nay là việc chúng ta để doanh nghiệp làm chủ dự án cải tạo. Ở những vị trí thuận lợi, cộng đồng dân cư nghĩ rằng quyền lợi của họ sẽ bị xâm phạm vì đã là doanh nghiệp thì phải làm vì lợi nhuận, vì vậy người dân đòi đền bù cao, chủ trương đền bù hệ số 1,5 nhưng có nhiều người đòi hệ số 2 hoặc 2,5. Còn ở những vị trí không thuận lợi thì doanh nghiệp lại thấy không đủ hấp dẫn...

- Vậy tháo gỡ khó khăn này như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là ở khu vực châu Á, như Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, họ áp dụng phương án giao cho doanh nghiệp làm chủ dự án, mặc dù doanh nghiệp của họ rất mạnh nhưng tổng kết lại có nơi thành công nhưng cũng nhiều nơi thất bại. Tại Hồng Công, Hàn Quốc, rất nhiều chung cư được xây dựng sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, các chung cư đó còn xuống cấp, lạc hậu hơn Việt Nam. Kinh nghiệm thành công của họ là giao cho cộng đồng dân cư làm chủ.

Cụ thể, sẽ có một hiệp hội những người ở chung cư đứng ra lo việc cải tạo. Qua xem xét kinh nghiệm quốc tế, Tổng hội XDVN đã đề xuất phương án chính quyền khởi xướng, hướng dẫn, giúp đỡ - người dân làm chủ - doanh nghiệp tham gia.

- Việc cải tạo CCC bên cạnh nâng cao chất lượng đời sống cư dân còn phải đảm bảo các mục tiêu chung của đô thị nữa, vậy với phương án mà Tổng hội XDVN đề xuất thì các mục tiêu khác có được đảm bảo?

Quan điểm của Tổng hội XDVN là mục tiêu hướng tới không phải cải tạo từng tòa nhà đơn lẻ mà cải tạo toàn khu, phải kết hợp giữa việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân với việc giải quyết cả những bất cập của khu đô thị đó. Nó sẽ không đơn giản là phá 1 tòa nhà đi xây lại 1 tòa nhà khác trên nền cũ mà phải thay đổi lại quy mô mỗi tòa nhà, thay đổi lại quy hoạch cả khu, như có thể mở thêm đường, trường học, bệnh viện, vườn hoa… Trong quá trình cải tạo CCC, Nhà nước sẽ thể hiện vai trò của mình rất rõ trong việc quản lý đô thị, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, cân bằng giữa quyền lợi của người dân cũng như doanh nghiệp tham gia.

- Cụ thể lộ trình cải tạo CCC theo đề xuất của Tổng hội XDVN sẽ như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, muốn nhanh cũng không được. Điều cần thiết bây giờ là tìm một cách làm cho đúng. Chúng tôi làm việc với TP Hà Nội, lãnh đạo TP Hà Nội đã chấp nhận đề xuất và có thể sẽ thí điểm ở khu Giảng Võ. Khi triển khai theo phương án này Tổng hội XDVN sẽ theo sát, giúp đỡ, tư vấn trong việc tái thiết và tổng kết kinh nghiệm, phổ biến. Với TPHCM, chúng tôi có mời Viện Nghiên cứu đô thị TP, nếu muốn thí điểm thì tổng hội cũng sẵn sàng tư vấn.

- Cảm ơn ông!

BÍCH QUYÊN (thực hiện)

- Bất an chung cư cũ

Tin cùng chuyên mục