Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một clip dài khoảng 8 giây ghi lại cảnh một thầy giáo dùng tay tát mạnh vào đầu, mặt của một nam học sinh trước sự chứng kiến của học sinh trong lớp.

Ảnh cắt trên mạng
Chỉ sau vài giờ lan truyền, clip này thu hút sự quan tâm, chia sẻ của hàng ngàn cư dân mạng và họ bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ trước hành vi phản giáo dục của người thầy này. Qua tìm hiểu cho thấy, hành vi bạo hành học sinh này xảy ra ở Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 7, TPHCM), thầy đánh nam sinh tên Đặng Thế Anh - giám thị mới về trường làm hợp đồng. Sau khi giám thị này làm tường trình và thừa nhận hành vi đánh học trò là sai, ban giám hiệu đã họp hội đồng kỷ luật, quyết định tạm đình chỉ công tác và sẽ đề xuất cho nghỉ việc.
Theo tường trình của giám thị Thế Anh, vào ngày 23-11, ban giám hiệu nhà trường và giáo viên có cuộc họp nên học sinh lớp 7 tự quản tại lớp. Thầy Thế Anh được giao quản lý một dãy lớp học. Tại một lớp 7, học sinh gây ồn ào và sau khi nhắc giữ trật tự, các em vẫn nghịch phá, không nghe lời nên giám thị không kiềm chế được và đánh một nam sinh ngay trên bục giảng. Đại diện nhà trường và thầy giáo đã xin lỗi gia đình học sinh nhưng quan điểm của tập thể sư phạm là không thể chấp nhận hành vi nóng nảy, thiếu kiềm chế của giám thị Thế Anh.
Câu chuyện buồn này lại khiến chúng ta lo âu. Để hình ảnh người thầy tỏa sáng thì tự họ phải gương mẫu, trong đó mỗi hành vi, mỗi lời nói của thầy cô đều phải chỉn chu, mô phạm. Tại sao được đào tạo bài bản ở trường cao đẳng sư phạm, được trang bị kỹ năng sư phạm, tâm lý học, nhưng thầy Thế Anh lại có hành động phản sư phạm như nêu trên? Đành rằng các em đáng trách, không nghe lời và gây ồn ào, mất trật tự, nhưng không thể hành xử kiểu bạo lực ngay tại bục giảng như thế. Những học sinh dù không bị tát, bị đấm vào mặt nhưng phải chứng kiến hành vi bạo lực ngay tại lớp học, các em sẽ nghĩ gì và nó tác động, làm tổn thương tâm hồn trong trắng của các em như thế nào?
Đổi mới giáo dục không chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức, kỹ năng theo phương pháp mới mà cần dạy các em hoàn thiện nhân cách, sống nhân văn. Bạo lực nuôi bạo lực! Và phải chăng những hành vi thầy, cô, giám thị đánh trò bằng bạo lực thể chất lẫn tinh thần sẽ khắc thêm vết đen, làm hoen ố hình ảnh của người thầy? Đặc biệt trong vai trò giám thị, đòi hỏi người thầy càng phải có kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, hiểu biết về tâm sinh lý của học trò để quản lý, theo dõi về kỷ luật, sinh hoạt cũng như các hoạt động ngoài chuyên môn tốt hơn. Vì thế, sau vụ việc đáng tiếc này, ngành giáo dục - đào tạo của quận 7 nói riêng và TPHCM nói chung cần phải chấn chỉnh lại tác phong, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để đội ngũ giám thị của các trường thể hiện sự chuyên nghiệp, có kỹ năng quản lý học trò đúng chuẩn mực hơn.
HÀ ANH