Những thông tin về cải tiến tuyển sinh cũng như việc giao quyền tự chủ cho một số đại học lớn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 khiến các trường và cả triệu thí sinh thấy bối rối. Để rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM với tư cách là đơn vị được giao tự chủ tuyển sinh, đồng thời là người theo suốt phương thức thi tuyển “3 chung” nhiều năm qua.
- PV: Thưa ông, gần đây có thông tin cho rằng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, ĐH Quốc gia TPHCM vẫn tiếp tục tuyển sinh theo phương thức “3 chung”. Điều này có mâu thuẫn gì với chủ trương Bộ GD-ĐT giao cho 2 ĐH Quốc gia và các trường ĐH lớn tự chủ tuyển sinh riêng?
- TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA: Trước hết, chúng tôi xin khẳng định điều này hoàn toàn không có gì mâu thuẫn hoặc thay đổi cả. Cụ thể, chỉ thị số 6036 do Bộ trưởng ban hành ngày 29-11 có ghi rõ: Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2012 về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “3 chung”. Như vậy, chắc chắn tất cả các cơ sở đào tạo trên cả nước vẫn phải thi theo phương thức “3 chung”. Dù cho các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật có được giao chủ động đề xuất phương án tuyển sinh, nhưng với quy định vẫn giữ ổn định “3 chung” thì không thể có được những thay đổi lớn cơ bản trong năm 2012.
- Như vậy có phải ĐH Quốc gia TPHCM cũng như các trường khác khi được bộ giao quyền tự chủ thì lại ngần ngại không thực hiện?
- Không có chuyện đó. Chúng tôi ủng hộ chủ trương vì việc tuyển sinh không chỉ là vấn đề kỹ thuật của nhà trường mà còn là một vấn đề xã hội, cần có lộ trình cải cách chứ không thể thay đổi xoành xoạch. Chúng tôi cũng đồng tình với một nội dung rất quan trọng mà các trường ĐH-CĐ, trước hết là những trường lớn, cần vận dụng, đó là các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển, trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định.
Với nội dung này, chúng tôi đánh giá tuyển sinh ĐH-CĐ có thể chỉ còn ở mức chung 2,5 hoặc 2,75 chứ không còn là 3 nữa. Chúng tôi cũng đã nhiều lần phát biểu và đề xuất rằng cần tách dần 2 khâu thi và tuyển. Khâu thi (bao gồm tổ chức thi và đề thi) nên ở mức độ chung cao hơn, còn khâu tuyển thì nên chuyển giao dần cho các trường tự quyết định.
- Ông đánh giá như thế nào với những dự kiến thay đổi, bổ sung về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 mà bộ đã công bố?
- Chỉ thị 6036 của Bộ trưởng nêu “thêm khối thi thích hợp và xét tuyển thẳng các học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia”. Thật ra 2 nội dung này không mới vì trong kỳ thi hệ vừa học vừa làm ở nhiều năm trước đây cũng có nhiều khối thi không giống các khối thi truyền thống A, B, C, D, ví dụ như khối K (toán, lý, văn)...
Việc tuyển thẳng các học sinh đạt giải quốc gia cũng chỉ không thực hiện đại trà từ 3 năm qua, nhưng trên thực tế các trường ĐH-CĐ vẫn ưu tiên xét tuyển các học sinh này. Vì vậy chúng tôi cho rằng không có gì khó khăn khi chúng ta thực hiện trở lại những việc mà chính chúng ta đã làm trong nhiều năm trước. Điều quan trọng là phải giữ được tính nghiêm túc, chính xác của kỳ thi chọn học sinh giỏi.
- Quan điểm của ông về việc thêm khối thi, không phát hành Cuốn những điều cần biết mà bộ đã thông tin?
- Việc thêm khối thi tuy tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhưng sẽ tăng thêm một ít gánh nặng cho khâu tổ chức thi và khâu đề thi, cần lường trước những biến động có thể có về số lượng thí sinh đăng ký dự thi để ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, một số dự kiến thay đổi mà chúng tôi cho là cần nghiên cứu kỹ trước khi ban hành chính thức, ví dụ như nếu không in quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012” thì các trường cần phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng như thế nào để thông tin tuyển sinh, giới thiệu ngành nghề có thể đến được thí sinh đầy đủ và nhanh chóng.
- Theo ông, việc đổi mới, thậm chí là cải cách tuyển sinh trên bình diện chung cả nước cần chú ý đến điều gì, thưa ông?
- Vấn đề tuyển sinh ĐH-CĐ rất nhạy cảm vì nó không chỉ là chuyện của các trường mà còn là một vấn đề xã hội. Khó khăn của giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng hiện nay chính là hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT còn quá thấp. Phần lớn học sinh sau THPT đều sẽ dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30%-40% số lượng thí sinh dự thi, tạo một áp lực rất lớn cho kỳ thi này. Do vậy, việc cải tiến tuyển sinh phải thực hiện đồng bộ cùng nhiều chương trình hành động khác, trong đó có chương trình hướng nghiệp cho học sinh và cả phụ huynh.
Với số lượng thí sinh đi thi lại lần thứ hai, thứ ba… hàng năm lên đến khoảng 300.000-400.000 (chiếm trên 20% tổng số thí sinh), việc đổi mới tuyển sinh cần phải có lộ trình và thông báo chi tiết ít nhất từ 6-12 tháng để bảo đảm tính công bằng về thông tin và điều kiện ôn tập cho mọi thí sinh.
- Nói như ông là việc cải tiến tuyển sinh nhất thiết phải có lộ trình cụ thể thì sẽ không bị rối?
- Phương thức tuyển sinh “3 chung” đã áp dụng 10 năm, có những ưu điểm nhất định bên cạnh những bất cập cần cải tiến. Chúng tôi không tán thành việc chạy từ thái cực này sang thái cực kia và đôi khi quay trở về điểm xuất phát ban đầu. Không thể nào từ việc “nhốt chung tất cả vào một rọ” rồi bỗng dưng “xổ lồng cho bay khắp hướng” mà phải có những bước chuyển phù hợp cần thiết. Về tổng thể, chúng tôi cho rằng bộ cần công bố một khung cụ thể hơn, chi tiết hơn lộ trình giao quyền tự chủ, vì rằng với phát biểu gần đây, dù có tuyển sinh riêng nhưng vẫn phải chung đợt thì khó lòng mà từ bỏ “3 chung” được.
THANH HÙNG (thực hiện)