Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng phải được bảo vệ - Bài 3: Thể chế hóa Kết luận 14-KL/TW - yêu cầu bức thiết

“Chúng ta không thể bảo vệ cán bộ bằng lời nói mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật, vì khi xử lý bất cứ một vấn đề gì đều phải căn cứ vào pháp luật. Cán bộ, công chức và người dân đang rất mong chờ Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị được thể chế hóa”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải

Cơ hội khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo

Phóng viên: Thưa đồng chí, TPHCM luôn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, thì Kết luận 14-KL/TW có ý nghĩa thế nào đối với thành phố?

Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI: Ngay từ những năm đầu giải phóng, TPHCM là một trong những nơi hình thành các ý tưởng sáng tạo đổi mới rất mạnh mẽ. Chúng ta vẫn còn nhắc đến những quyết định “xé rào” của chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và lãnh đạo thành phố vào thời điểm ấy; của đồng chí Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi) thu mua gạo, bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho người dân của TPHCM từ cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980.

Tiếp sau đó là các mô hình mới như Lực lượng Thanh niên xung phong hình thành tại TPHCM đã thu hút đông đảo thanh niên thành phố tham gia xây dựng những nông trường ở vùng sâu, vùng xa, những công trình có ý nghĩa kinh tế - quốc phòng. Sự đột phá trong công tác quản lý của công ty, xí nghiệp, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Các phong trào về văn hóa - xã hội như “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”… xuất phát từ TPHCM và sau này được nhân rộng ra toàn quốc.

TPHCM có truyền thống năng động, sáng tạo, là nơi khởi nguồn cho nhiều chủ trương đột phá hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, nhiều mô hình đã trở thành cách làm chung của cả nước. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới, chấp nhận thử thách của một bộ phận cán bộ thành phố, nhất là các đồng chí cán bộ lãnh đạo, chủ chốt đứng đầu TPHCM qua các thời kỳ, là động lực thúc đẩy để thành phố luôn vận động và phát triển bền vững.

Với nền tảng đó, theo cá nhân tôi, đông đảo cán bộ, công chức và cả người dân TPHCM đón nhận Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị trong tâm thế hết sức phấn khởi, háo hức. Đây là điều kiện, cơ hội để TPHCM khơi dậy tinh thần mạnh mẽ để tìm ra những giải pháp mới, cách làm sáng tạo, đột phá để tiếp tục phát triển đi lên. Chỉ có đổi mới, sáng tạo hiệu quả mới tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng của TPHCM.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có những hoạt động cụ thể triển khai thực hiện Kết luận 14-KL/TW ra sao?

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Kế hoạch 124 về thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị. Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch 124, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đã yêu cầu tất cả quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải cụ thể hóa kế hoạch này tại cơ quan, đơn vị mình.

Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, sớm đưa Kết luận 14-KL/TW đi vào cuộc sống gắn với việc phát huy vai trò nêu gương, đi đầu của người đứng đầu. Xây dựng môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ địa phương, cơ quan, đơn vị mình quản lý chủ động nghiên cứu, phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc để tìm hướng xử lý, giải quyết. Cùng với đó là tự tin và không ngừng đặt ra các mục tiêu phấn đấu 
ngày càng cao trong học tập, công tác; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Cần thể chế hóa Kết luận 14-KL/TW

Trong khi chờ cơ chế bảo vệ cán bộ, TPHCM sẽ chủ động thực hiện những nhiệm vụ, công việc gì, thưa đồng chí?

Trong khi các cơ quan Trung ương chưa thể chế hóa Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị thì chính các văn bản triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị đặt nền móng để từng tổ chức, cá nhân mạnh dạn đề xuất những ý tưởng, phương pháp đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, TPHCM đang tiếp tục nghiên cứu ban hành quy trình thông qua và triển khai thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Sau khi ban hành, quy trình sẽ là khung để các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng quy trình tại cơ quan, đơn vị mình.

Một vấn đề quan trọng luôn được nhắc đến khi đề cập đến việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đó là cơ chế bảo vệ. Chúng ta không thể bảo vệ cán bộ bằng lời nói mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Cán bộ, công chức và người dân đang rất mong chờ thể chế hóa kết luận này.

Tuy nhiên, TPHCM không thụ động trong việc bảo vệ cán bộ. Kế hoạch 124 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã giao nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị “cấp có thẩm quyền phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế; cần đánh giá kết quả một cách khách quan, đầy đủ đối với từng phần việc cụ thể”.

Bên cạnh đó, trong quy trình đang được xem xét ban hành có giao nhiệm vụ cho từng cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy TPHCM, Ban cán sự Đảng UBND TPHCM trong công tác bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và những cán bộ có ý tưởng đột phá vì lợi ích chung. Vừa qua, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị triển khai rất nghiêm túc và trao đổi, bàn bạc cụ thể, sâu sắc, quyết tâm cao.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch và dự thảo quy trình triển khai thực hiện Kết luận 14-KL/TW, TPHCM nhận được ý kiến ra sao?

Trong suốt quá trình xây dựng kế hoạch và dự thảo quy trình thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, rất nhiều ý kiến cho rằng để thực hiện đúng tinh thần Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị thì trước hết từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong bộ máy, nhất là người đứng đầu, phải làm đúng và làm tốt nhiệm vụ được giao theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Tiếp theo đó, cần phải có quy trình, quy định rạch ròi trách nhiệm, thẩm quyền, quyết định thực hiện. Đồng thời cần phải xác định rõ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, thậm chí có ý kiến đề xuất không “hình sự hóa” đối với các ý tưởng sáng tạo, đổi mới khi gặp rủi ro. Có thể nói, mọi sự đổi mới, sáng tạo phải dựa trên cơ sở thực tế khoa học, phải trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý; không ai có thể đứng trên pháp luật.

Tạo điều kiện để cán bộ phát triển

 Để khuyến khích cán bộ an tâm đổi mới, sáng tạo, theo đồng chí cần làm những gì?

Mọi sự đổi mới, sáng tạo phải xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi, cấp thiết của thực tiễn. Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, không phải là làm liều, không có tính toán. Do đó, các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, phải được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với quy định của Hiến pháp và quy định của Điều lệ Đảng. Chính việc được cơ quan có thẩm quyền thông qua trước khi triển khai đã là lớp bảo vệ đầu tiên cho ý tưởng đổi mới.

Sau khi ý tưởng được triển khai, thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra của cấp thẩm quyền, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện vấn đề, kịp thời uốn nắn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh quyết định phù hợp với tình hình thực tế.

Thực hiện được những điều trên với tinh thần bảo vệ cán bộ trong sáng, quyết liệt thì tôi cho rằng sẽ có tác dụng rất lớn trong việc khuyến khích một bộ phận cán bộ còn tâm lý e dè, ngần ngại, sợ sai sẽ mạnh dạn hơn trong việc đề xuất đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ nghiên cứu cơ chế giới thiệu, tiến cử các cá nhân năng động, sáng tạo, có tinh thần đổi mới, vì người sáng tạo thường ít khi tự giới thiệu mình. Do đó, những cá nhân này cần được phát hiện và tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển xứng đáng với năng lực, khả năng của mình.

Những việc đã có quy định nhưng một số cán bộ, công chức vẫn sợ trong thực hiện chứ chưa nói đến sáng tạo, TPHCM sẽ đánh giá cán bộ ra sao?

Đó là vấn đề ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức. Như tôi đã nói phần trên là Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã quy định mỗi cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu, phải làm đúng và làm tốt nhiệm vụ được giao. Từng bản thân cán bộ phải lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu cho công việc. Cùng với đó, cán bộ chủ động tìm tòi, tìm ra những vấn đề vướng mắc trong công việc để đề xuất các giải pháp mới; đấu tranh với những tư tưởng ngại khó, né tránh.

Bên cạnh đó, chúng ta phải cùng nhau xây dựng văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức để hình thành được đội ngũ cán bộ thật sự năng động, sáng tạo, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó chính là mục tiêu cao nhất trong tất cả các chủ trương, nghị quyết của Đảng chứ không phải chỉ riêng Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, phải đổi mới công tác thi đua khen thưởng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM khẩn trương hoàn chỉnh, sớm ban hành quy trình thông qua và triển khai thực hiện đối với những ý tưởng, sáng kiến thuộc thẩm quyền. Gắn với chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy TPHCM: định kỳ 6 tháng, hàng năm, sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và hoàn thiện quy trình để đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn. Đồng thời, chủ động xây dựng cơ chế, giải pháp cụ thể để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị…

Tin cùng chuyên mục