
Trong số tổng trữ lượng 5,5 tỷ tấn quặng (thô) bauxite của Việt Nam, Đăk Nông là địa bàn có trữ lượng quặng lớn nhất với 3,4 tỷ tấn. Và với dự án khai thác bauxite - sản xuất alumin Nhân Cơ lớn nhất Việt Nam (công suất 650.000 tấn alumin/năm), Đăk Nông đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. PV Báo SGGP đã vào vùng dự án này để có cái nhìn cận cảnh!
Cơ hội cải tạo đất
Từ QL14 thuộc huyện Đăk R’Lâp, tỉnh Đăk Nông, chúng tôi rẽ vào xã Nhân Cơ, nơi có công trường khai thác, nhà máy alumin, khu hồ chứa bùn đỏ, nhà máy tuyển quặng bauxite… (chỉ khai thác trên bề mặt 160 km²). Trên suốt đường đi, loại đá màu nâu vàng, nâu đỏ xen lẫn xám trắng cứ bám lấy bánh xe hai cầu. Đây chính là mỏ bauxite lộ thiên có trữ lượng quặng tinh khoảng 450 triệu tấn.

Người dân nhận tiền đền bù sáng 30-5.
Theo Tỉnh ủy Đăk Nông, tỉnh có 9 mỏ bauxite với diện tích khai thác 561,8 km², chiếm 8,6% diện tích toàn tỉnh (6.514,5 km²).
Như vậy mỏ Nhân Cơ với diện tích khai thác 160 km² chỉ chiếm khoảng 2% diện tích toàn tỉnh.
Do là mỏ lộ thiên nên các nơi chúng tôi đi qua, rất ít cây cối mọc được mà chỉ có các loại cây bụi, cỏ dại, hoa màu của người dân trồng trên nền đất có quặng.
Trả lời Báo SGGP về phương án khai thác lộ thiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ - TKV (VNAC) Nguyễn Phú Dương giải thích: “Với công suất nhà máy và trữ lượng bauxite, mỗi năm chúng tôi sẽ dùng máy xúc, máy đào (độ sâu 3 - 4m, tối đa 12m) khai thác 50 - 65 ha quặng. Lớp đất phủ bên trên (đất thổ nhưỡng không có quặng) được bóc tách riêng. Sau đó san phẳng mặt bằng khai thác rồi đổ lại đất thổ nhưỡng (trộn phân bón, cày xới) để tiến hành trồng cây ngay. Chúng tôi sẽ làm theo cách “cuốn chiếu” dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, nhân dân và báo chí. Vì thế chỉ có 570 lượt hộ dân bị ảnh hưởng do nhường đất cho nhà máy, cho hồ chứa bùn đỏ, hồ chứa nước, hệ thống tải quặng, đất khai thác quặng … và dự án kéo dài trong 30 năm”
Tỉnh ủy Đăk Nông khẳng định: “Khu vực khai thác sẽ không mất đất vĩnh viễn, đất đai hoang hóa, cằn cỗi - do có quặng lộ thiên - sẽ được cải tạo, phủ xanh bằng rừng trồng sau 2 - 3 năm. Các khoản thuế địa phương sẽ thu từ dự án bình quân 547 tỷ đồng/năm”.
Người dân địa phương có lợi gì?
Ngay trong sáng thứ bảy 30-5, PV Báo SGGP đã tiếp xúc với 30 hộ dân đến nhận tiền đền bù, giải tỏa đất. Điểu Vương (bon Bù Dấp) cho biết: “Mình có 7 ha, bị mất 2 ha được đền bù trên 600 triệu đồng. Mình sẽ xây nhà mới”.
Thấy nhà báo chụp hình, ông Nguyễn Văn Sơn (thôn 1) chạy đến nói: “Nhà tôi có 5 khẩu, 2 ha đất đồi, 400m đất thổ cư. Tôi được đền bù 800 triệu đồng và sẽ mua lại vài hécta đất khác ở xã Nhân Đạo gần bên để trồng trọt”.
Chúng tôi hỏi: “Đất bên ấy bao nhiêu? Tiền đền bù có thỏa đáng?”. Ông Sơn bảo: “Trước thì bà con còn ngần ngừ, tôi cũng vậy. Nay dự án đền bù giá “coi được”, tôi đi mua đất nơi khác chỉ 200 triệu đồng/ha thôi. Bà con cũng nghe lời tôi, nhận tiền cả rồi”.
Sợ phỏng vấn nhầm người, chúng tôi luồn sâu vào bon Bù Dấp để tìm già làng M’Nông Điểu Ôn. Ông Ôn cho hay: “Bon mình có 112 hộ người Kinh và M’Nông. Có 20 hộ bị giải tỏa, ai cũng vui vì giá đền bù cao”. Rồi Điểu Ôn gọi Điểu Gà, Điểu Phi, Điểu Nhoi… đến trò chuyện với chúng tôi, ai nấy hớn hở cười nói. Duy chỉ có Điểu Cút than: “Mưa vừa rồi làm đất quặng trôi lấp ao nhà mình, bảo nhà máy đền đi!”.
Mang chuyện này ra hỏi Phó Tổng Giám đốc VNAC Nguyễn Phú Dương, được biết: “Trong quá trình san gạt đồi tạo mặt bằng, đã tận thu 1,3 triệu tấn quặng lộ thiên. Cơn mưa vừa qua kéo đất quặng thô lấp ao của một hộ dân, công ty đang tiến hành bồi thường! Chúng tôi mong nhà máy sớm đi vào hoạt động để chứng minh hiệu quả KT-XH của dự án”.
Chúng tôi ra khu vực sẽ xây dựng nhà máy alumin, nơi có 1,3 triệu tấn quặng tận thu đang chất đống. Dùng tay bóp mạnh vào viên đất pha sét nâu đỏ, thấy trong đó ánh lên li ti những mẩu kim loại xỉn màu, ấy là quặng.
Gặp Điểu Phương đang đi đi lại lại, chúng tôi hỏi thăm và được anh cho biết: “Mình được tuyển vào làm công nhân, mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Hiện chưa có nhà máy nên mình được đi học lớp quản lý lao động. Trước đây mình chỉ đi làm cỏ cà phê thôi, tiền ít lắm. Bon mình có nhiều đứa đi học công nhân kỹ thuật rồi. Nhà máy tài trợ cho mình mà”.
Ông Nguyễn Phú Dương quả quyết: “Chỉ sử dụng lao động trong nước. Công ty đã tuyển và đưa đi học lớp công nhân kỹ thuật 317 người; 70 người khác đi du học ngành hóa, địa lý tại Trung Quốc. Tất cả đều là học sinh, con em dân tộc ở Đăk Nông. Công ty cũng đang tuyển tiếp 450 học sinh để đào tạo nghề, chúng tôi đang xin chính quyền cho hạ “chuẩn” đầu vào bởi con em vùng này học vấn chưa cao lắm. Chúng tôi cũng xin thông tin cho dư luận rõ là do nhà thầu EPC (Công ty Quốc tế công trình nhôm Trung Quốc - CHALIECO) đã trúng thầu xây dựng nhà máy alumin nên họ có đưa công nhân kỹ thuật nước ngoài vào xây lắp nhà máy. Sau 2 năm xây lắp xong, nhà thầu sẽ rút toàn bộ lao động. Các công việc chính như khai thác, tuyển quặng… sau này là do lao động Việt Nam làm”.
Và nỗi lo môi trường
Chúng tôi ra thung lũng được quy hoạch là hồ chứa bùn đỏ của nhà máy alumin thuộc dự án Nhân Cơ rộng 210 ha. Theo ước tính, mỗi năm sẽ có khoảng 650.000 tấn bùn đỏ thải ra từ dự án Nhân Cơ.
Về cơ bản, thành phần bùn đỏ có 46% oxít sắt nên sẽ có màu nâu đỏ. Trong bùn không có chất phóng xạ nên không gây hại đặc biệt cho môi trường. Tuy nhiên trong bùn còn có dung dịch kềm nên có tính ăn mòn cao, độ pH lớn, lòng hồ phải được xử lý bằng đất sét đầm chặt, trải vải địa kỹ thuật, trải cát… để không cho bùn đỏ (có NaOH) tràn ra môi trường.
Theo thiết kế, phía dưới các lớp cát, vải địa kỹ thuật sẽ là ống hút nước (bùn được lắng đọng trong lòng hồ) từ bùn để tái sử dụng. Hồ bùn đỏ cũng được chia thành nhiều ngăn để khi bùn được thải đầy (đã hút hết nước tái sử dụng), từng ngăn sẽ được làm khô và phủ đất phía trên, trồng cây.
Ông Nguyễn Phú Dương cho chúng tôi xem thiết kế và cho biết: “Nhà máy sẽ cần 18 triệu m³ nước/năm. Trong khi đó nước tái sử dụng từ bùn sẽ là 10 triệu m³/năm. Như vậy nhà máy sẽ cần thêm 8 triệu m³/năm nữa. Tỉnh Đăk Nông đã cho phép chúng tôi cải tạo hồ Cầu Tư (sức chứa 10 triệu m³) để chứa nước từ suối Đăk R’Tih dẫn về chứ không cho khai thác nước ngầm. Như vậy, ngoài nhu cầu sử dụng cho toàn dự án, chúng tôi còn có thể cấp nước cho nhân dân trong khu vực trên 1 triệu m³/năm”.
Lần mở bản đồ địa lý lưu vực sông Đồng Nai ra xem, chúng tôi thấy ghi diện tích lưu vực của dòng sông này đến 38.600 km² trong đó lưu vực hồ Cầu Tư chỉ có 25 km². Như vậy việc sử dụng nước hồ Cầu Tư này không ảnh hưởng đến nguồn nước của toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai!
Sẽ còn quá sớm để đánh giá tác động môi trường từ các dự án bauxite, tuy nhiên cũng không vì lý do môi trường để mãi níu kéo sự nghèo khó của một bộ phận dân cư các dân tộc Tây Nguyên. Vấn đề là phải giám sát những nảy sinh trong quá trình khai thác thử nghiệm bauxite (ở hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ), từ đó có động thái kịp thời để vừa đảm bảo môi trường, vừa phát triển KT-XH trên vùng đất chiến lược và giàu truyền thống cách mạng này.
Dương Minh Anh