Cần cơ chế đặc biệt

Đối với Việt Nam, gia nhập WTO và hội nhập kinh tế thế giới được đánh giá là một trong các cơ hội lớn đối với ngành nông nghiệp. Trên thực tế, nông nghiệp đã và đang thể hiện được vai trò trong quá trình hội nhập, trở thành trụ đỡ trong việc chống chọi với những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong 3 năm liên tiếp (2007-2009), kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy hải sản luôn chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN. Nhiều hàng nông sản của VN đã leo lên vị trí nhất, nhì tại các sàn giao dịch trên thế giới. Các sản phẩm đã gắn liền và làm rạng danh nhiều vùng miền của VN, lọt vào “bản đồ” săn tìm những đặc sản nổi tiếng của các nhà buôn thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, xuất khẩu hàng nông sản của VN hầu như chưa có sự thay đổi đột biến. Tuy kim ngạch xuất khẩu có tăng so với năm 2006 nhưng lại chậm hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thị trường nói chung. Sau 3 năm gia nhập WTO, nông nghiệp VN đã bộc lộ nhiều yếu kém và hạn chế vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, chính sách đầu tư của nhà nước đối với nông nghiệp tuy có chuyển biến, nhưng vẫn chưa đạt 10% giá trị tổng sản phẩm nông nghiệp theo cam kết của VN khi vào WTO. Thứ hai, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông lâm nghiệp không đáng kể. Nếu tính chung cả thời kỳ 1988-2008, ngành nông nghiệp chỉ thu hút được khoảng 966 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,7 tỷ USD. Đó là chưa kể nguồn vốn ODA dành cho nông nghiệp còn rất thấp.

Tại sao các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với nông nghiệp? Câu trả lời, đầu tư vào nông nghiệp thường phải chịu rủi ro rất lớn như thiên tai, dịch bệnh, thị trường,… trong khi tỷ suất lợi nhuận lại không cao. Bên cạnh đó, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư chưa được giải quyết rốt ráo, minh bạch. Bao trùm lên tất cả là đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa có chính sách ưu đãi cụ thể cho các DN khi đầu tư vào nông nghiệp.

Đó là chưa kể miền Trung và Tây Nguyên - mảnh đất tiềm năng, hơn 90% người dân sống dựa vào nông nghiệp nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng căn cơ về hệ thống thủy lợi. Vấn đề nuôi gì, trồng gì vẫn gặp nhiều lúng túng và quy hoạch chưa rõ ràng, khiến nông dân liên tục rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. ĐBSCL, nơi cung cấp rất nhiều sản vật quý cho cả nước, nơi làm ra 90% lượng lúa gạo phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu nhưng đến nay hạ tầng giao thông chưa thỏa đáng!

Đã đến lúc Chính phủ cần ban hành một cơ chế đặc biệt thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp để tiếp cận những phương thức tiến bộ về canh tác, quản lý. Song song đó, một chương trình hành động dài hạn cụ thể để thu hút mọi nguồn lực trong nước cũng như các nguồn vốn ODA, tập trung đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp nông thôn cũng cần tính đến.

Việc định vị cây trồng và quy hoạch sản xuất nông nghiệp hợp lý, đầu tư lớn để tăng năng suất và chất lượng, mạnh dạn loại bỏ những vật nuôi, cây trồng không có thế mạnh, phát triển mạnh công nghiệp chế biến… là những bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp. Việc tìm ra lời giải sẽ đồng nghĩa nông sản VN sẽ tìm được thế đứng trong điều kiện hội nhập. Đây là con đường ngắn nhất để hiện đại hóa nông nghiệp nông dân và nông thôn.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục