

Bộ trưởng Bộ Tài chính VN Vũ Văn Ninh (thứ 2 từ phải qua) tham dự diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á.
" Đối phó với tình trạng lạm phát như hiện nay, châu Á phải là nơi tiên phong trong việc giải quyết tình trạng giá dầu và giá lương thực đang tăng cao do những tổ chức tài chính (như Tổ chức Thương mại thế giới – WTO) đang tỏ ra bất lực”.
Đó là lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo, doanh nhân tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á lần thứ 17, đã khai mạc tại Kuala Lumpur, Malaysia, vào ngày 15-6.
Diễn đàn kinh tế thế giới lần này thu hút sự tham dự của khoảng 300 đoàn đại biểu thuộc giới doanh nghiệp, chính trị và báo chí của hơn 25 nước, nhằm thảo luận giải pháp của châu Á đối với các cuộc khủng hoảng đang leo thang mà thế giới phải đối mặt, như các vấn đề an ninh năng lượng và lương thực, những bất ổn tài chính.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh nhận định: “Sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trong khu vực. Việt Nam cũng đang bị tác động, đặc biệt là tình trạng lạm phát tăng cao. Các nước châu Á cần phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp có hiệu quả”.
Tại diễn đàn, Việt Nam sẽ cùng thảo luận và đóng góp ý kiến với các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp thế giới về các vấn đề kinh tế, chính trị, khoa học và công nghệ, tham khảo các xu hướng phát triển trên thế giới để giúp việc hoạch định chính sách của Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Trong phiên thảo luận đầu tiên tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp đều cho rằng khủng hoảng trên toàn thế giới đang gia tăng đáng kể, nhưng chưa có một thể chế ở cấp toàn cầu để đối phó.
Các nước châu Á cần hợp tác ngay lập tức để đảm bảo việc thành lập một thể chế toàn cầu nhằm phản ứng lại các cuộc khủng hoảng vì đây là một cơ hội để đưa các quốc gia thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Các đại biểu tham dự diễn đàn cùng nhìn nhận rằng khu vực Đông Á đang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn như việc thắt chặt hơn tín dụng toàn cầu, các biện pháp điều chỉnh đột ngột trong tỷ giá hối đoái, giá dầu và giá các mặt hàng tiếp tục tăng.
Hiện tại những thách thức chính của khu vực Đông Á là hạn chế về đầu tư, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng và ô nhiễm môi trường.
*Cùng với Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á 2008, tại Jeju, Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM quy tụ 27 bộ trưởng hoặc thứ trưởng các nước EU và 16 đồng nhiệm từ châu Á. Ngoài các vấn đề nóng như tiền tệ, lương thực và nhiên liệu, các bộ trưởng ASEM còn bàn việc tăng cường hội nhập kinh tế giữa hai bên.
Nhiều bộ trưởng thuộc EU cho rằng EU vẫn chưa thực hiện thành công tiến trình hội nhập kinh tế, điển hình là việc cử tri Ireland bác bỏ Hiệp ước Lisbon. Điều này châu Á nên rút kinh nghiệm vì hội nhập kinh tế sẽ mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn và giảm nguy cơ khủng hoảng.
Ngoài ra, vấn đề tăng cường trao đổi thương mại cũng được bàn thảo khi mà kim ngạch thương mại EU-châu Á ngày càng kém kim ngạch Trung Quốc với các nước châu Á.
T.H. – V.M. (Theo AP, Reuters)