Câu chuyện hội nhập: Đối phó với “bão” tăng giá

Cần đạo đức kinh doanh

Sau cơn bão số 2 và trận lụt lớn ở khu vực Quảng Bình và Hà Tĩnh là cơn “bão” tăng giá các loại vật liệu xây dựng. Điều này được xem như đương nhiên. Vì nhiều năm nay, cứ sau bão, nhà xiêu tường đổ thì nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng cao do cần phải sửa chữa và làm nhà lại. Điều đáng nói, những ngôi nhà dễ xiêu vẹo nhất, dễ bị lũ cuốn nhất chính là các loại nhà tạm, nhà cấp 4, nhà của những người nghèo. Sau bão họ trắng tay, khi phải gầy dựng lại cơ ngơi, phải mua vật liệu với giá cao là điều đau lòng.

Mặt hàng bán chạy trong mùa bão lụt là mì gói, các loại thực phẩm tiêu dùng ăn liền. Nhu cầu tăng khiến giá tăng. Nhưng khi nhu cầu chưa tăng thì giá các loại hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu, từ gạo, thịt, thủy hải sản, đường, sữa… đều tăng giá ngay từ đầu năm.

Chính việc tăng giá này đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong những tháng đầu năm. Trên địa bàn TPHCM, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong 7 tháng qua ước đạt 89.355 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng chỉ rõ, nếu loại trừ yếu tố biến động tăng giá, mức tiêu thụ hàng hóa tăng 17% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,8%). Điều đó cho thấy, giá cả hàng hóa tăng nhưng sức mua của người dân trên địa bàn tăng nhờ việc đổi mới các mặt hàng và dịch vụ nên đã kích thích tiêu dùng.

Đáng lo là dự báo của các cơ quan chức năng, nhóm hàng thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới do dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, thời tiết không thuận lợi cho cây trồng vật nuôi; các mặt hàng khác tăng giá là do đầu vào cho sản xuất bị ảnh hưởng bởi giá thế giới tăng cao…

Song song với các biện pháp mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai do các bộ ngành đề xuất lên, từ việc giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng, thuốc tân dược, nguyên phụ liệu sản xuất hàng hóa đến giảm giá xăng dầu, không thực hiện tăng giá điện trước 1-7-2008, ngành than tạm thời chưa thực hiện cơ chế giá thị trường nhằm giảm giá thành sản xuất, TPHCM cũng có những biện pháp cụ thể ở góc độ vi mô nhằm kìm giữ tốc độ tăng giá.

UBND TPHCM đã chỉ đạo các ngành tập trung công tác kiểm tra và bình ổn giá, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Cụ thể là cần tổ chức rà soát và cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trước hết là mặt hàng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu không để xảy ra hiện tượng mất cân đối. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm soát việc công khai niêm yết giá bán, xử lý nghiêm với các hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền để cạnh tranh không lành mạnh; đầu cơ găm giữ hàng đẩy giá lên cao; kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Đặc biệt, vào tháng 9-2007, TPHCM tổ chức tháng bán hàng khuyến mãi và giảm giá nhằm tăng kích cầu tiêu dùng, kiềm giữ giá thị trường và góp phần tăng trưởng kinh tế; đưa khoảng 400 tỷ đồng hỗ trợ kế hoạch dự trữ hàng hóa thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Mậu Tý… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ theo dõi tập hợp, phân tích từng bước thị trường giá cả trên địa bàn để kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp tiếp theo cho UBND TP và Bộ Công thương nhằm bình ổn giá trên thị trường…

Biện pháp xem ra thì nhiều nhưng thực tế kiểm soát như thế nào để giá không tiếp tục tăng là cả vấn đề khó khăn vì còn phụ thuộc vào “lương tâm” của các nhà sản xuất. Trong giai đoạn khó khăn này, có những mặt hàng doanh nghiệp biết nhu cầu thị trường tăng nên dựa vào đó để tăng giá trục lợi là điều cần phải xử lý nghiêm, bị dư luận lên án và tẩy chay.

Lộc Nguyễn

Tin cùng chuyên mục