Thông tin từ cuộc họp thường kỳ tháng 3-2013 của Chính phủ cho biết, hết quý 1-2013, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực: Lạm phát thấp, giá cả, thị trường khá ổn định; GDP tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, ước tăng 4,89%; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, đáng chú ý là xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước, từ chỗ tăng rất thấp trong cả năm 2012 đã tăng trưởng trên 10% trong quý 1. Nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng trở lại. Đã có xuất siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
Ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tại cuộc họp báo chiều qua, thông báo: tình hình có tốt hơn, nhưng mức độ tốt hơn không nhiều, đòi hỏi phải quyết tâm mới đạt được những nhiệm vụ Quốc hội đề ra trong năm nay. Nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, thách thức; nổi lên là khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Doanh nghiệp vẫn khó trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Việc thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu và thị trường bất động sản đóng băng chậm được giải quyết.
Điều đáng lo nhất, mặc dù GDP tăng nhưng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quý 1 năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Nông nghiệp tăng trưởng không khả quan, gặp nhiều khó khăn là một mối lo lớn khi lâu nay vốn được coi là bệ đỡ của nền kinh tế. Thủ tướng cũng nhận định, tăng trưởng đạt được trong quý 1 là nhờ vào dịch vụ, xuất khẩu; kết quả tích cực đạt được chưa căn cơ, chưa vững chắc, trong khi sản xuất mới là điều sống còn đối với nền kinh tế.
Tình thế đó đòi hỏi công tác điều hành phải hết sức linh hoạt và không thể chủ quan với lạm phát. Có một thực tế gây bức xúc trong thời gian qua, nhiều văn bản, chính sách của Chính phủ chưa đi vào cuộc sống, chưa “đủ liều” để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặt ra cho các cơ quan của Chính phủ cần phải mạnh dạn nghiên cứu, tìm các giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ hơn.
Một thông điệp đáng mừng, tại phiên họp Chính phủ lần này, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách mạnh mẽ hơn, trong đó có việc nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để nông nghiệp tiếp tục là “bệ đỡ” an toàn cho nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%, thậm chí xuống dưới 20% đối với những doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nông sản; giảm thuế VAT đối với các sản phẩm đầu vào của nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi... Tín hiệu từ nền kinh tế cho thấy lúc này rất cần các giải pháp đủ mạnh để bảo đảm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đó cũng chính là yếu tố quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Sự điều hành thông suốt từ trên xuống dưới, với tinh thần khẩn trương, nói đi đôi với làm của các cơ quan trong bộ máy Chính phủ đang là điều mà nhân dân trông đợi. Vì chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho thì mới tạo đà cho phục hồi tăng trưởng, làm cho doanh nghiệp, nhân dân “dễ thở” hơn trong bối cảnh hiện nay.
LÂM NGUYÊN