Cần giải pháp tổng thể và căn cơ

Cơ sở gây ô nhiễm, địa phương chịu trách nhiệm trước
Cần giải pháp tổng thể và căn cơ

Hôm qua 8-12, kỳ họp thứ ba HĐND TPHCM khóa VIII đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các vấn đề ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, “đinh tặc”, đua xe trái phép, cướp giật… được các đại biểu làm “nóng” nghị trường.

Cơ sở gây ô nhiễm, địa phương chịu trách nhiệm trước

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt nhận “dồn dập” nhiều câu chất vấn ngay khi đăng đàn trả lời. ĐB Phạm Văn Bá hỏi: “Khu vực kênh Tham Lương có 50 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, trong số này có bao nhiêu cơ sở có phép? Chủ trương của TP có di dời những cơ sở này không? Khi nào di dời?”.

ĐB Lâm Đình Chiến hỏi tiếp: “Toàn TP còn bao nhiêu cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần di dời, vì sao đến nay còn chậm trễ?”.

Đại biểu Lê Minh Đức chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu Lê Minh Đức chất vấn tại kỳ họp.

Trả lời chất vấn, ông Đào Anh Kiệt cho biết: “TP đã di dời 35 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, còn 2 cơ sở chưa di dời là Xưởng đóng tàu Ba Son và Công ty Xi măng Hà Tiên do có liên quan đến đơn vị quốc phòng, đơn vị kinh tế nên chờ chỉ đạo. Trong khu dân cư còn khoảng 50 cơ sở tồn tại đã lâu, một số do lịch sử để lại. Đến năm 2015 chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành việc di dời toàn bộ”.

ĐB Võ Văn Sen chất vấn: “Theo thông tin hiện 100% khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải, nhưng điều gì chắc rằng những hệ thống xử lý này vận hành thực sự? Khối bệnh viện cũng cho biết nước thải y tế đã được xử lý 100% nhưng làm sao biết có vận hành thật hay không?”.

Không trả lời thẳng, ông Đào Anh Kiệt đánh giá chung rằng: Tình trạng xả thải vẫn tiếp diễn, đáng nói là tình trạng không đấu nối, xả lén, không vận hành hệ thống khí thải; xả vào buổi tối, cơ quan nhà nước lơ là kiểm tra...

Chưa thỏa mãn với câu trả lời, ĐB Lâm Đình Chiến hỏi tiếp: HĐND TP đã có nhiều nghị quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm nhưng sao giờ vẫn còn? Có phát sinh cơ sở mới không?

Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Văn Rê trả lời: “Đến năm 2010 có 1.261/1.402 cơ sở đã di dời ra khỏi khu dân cư, đạt tỷ lệ 90%”.

Ông Đào Anh Kiệt cho biết thêm, với những cơ sở tự phát trong dân thì khó kiểm soát, nó liên quan đến công tác cấp phép, hậu kiểm. Đối với những ngành nghề liên quan đến môi trường, khi doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư, sở có hỏi ý kiến quận - huyện, được quận - huyện chấp thuận, sở mới cấp phép. Do đó, nếu đơn vị nào gây ô nhiễm thì lãnh đạo quận - huyện đó phải chịu trách nhiệm trước nhất!

ĐB Trịnh Xuân Thiều và ĐB Nguyễn Văn Tươi hỏi: Có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về TN-MT nhưng trách nhiệm quản lý hậu thanh tra lại không rõ ràng, dẫn đến nhiều đơn vị vi phạm dây dưa không khắc phục? Trách nhiệm này của ai?

Ông Đào Anh Kiệt cho biết: Sở đã làm rất trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra, bình quân thanh tra 350 vụ/năm (trung bình 1,5 vụ/ngày) nhưng hậu kiểm thì luật quy định trách nhiệm của địa phương phải theo dõi xử lý. Nhiều lần ông Đào Anh Kiệt đã “xin nhận câu hỏi và sẽ trả lời riêng” với các ĐB!

Cố gắng giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) và tai nạn giao thông (TNGT). “Cơ sở nào để TP đề ra chỉ tiêu giảm 10% số vụ TNGT, UTGT? Giải quyết kẹt xe có giải pháp gì đột phá?” - ĐB Trần Văn Thiện truy. ĐB Lâm Thiếu Quân hỏi tiếp: “Việc phân cấp quản lý lòng đường, vỉa hè như thế nào mà để tình trạng lấn chiếm phổ biến góp phần gây UTGT, TNGT? Vai trò công an ở đâu?”. ĐB Cao Thanh Bình cho rằng: “Cử tri rất bức xúc về tiêu cực với cảnh sát giao thông, vấn đề này sẽ xử lý như thế nào? Biện pháp nào làm sạch bộ máy lực lượng cảnh sát giao thông?”...

Đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM thẳng thắn: “Kéo giảm 10% số vụ UTGT và TNGT là chỉ tiêu Nghị quyết Chính phủ và kỳ họp BCH Đảng bộ TPHCM vừa rồi đề ra, chúng tôi là đảng viên, cán bộ công chức ngành nên phải chấp hành. Cảm nhận của chúng tôi chỉ tiêu này cao và khó vì chưa bao giờ có thể kéo giảm được 10%. Năm 2011 chỉ giảm một ít vụ nhưng số người chết và bị thương tăng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện. Còn giải pháp mới của ngành công an là rà soát lại tất cả điểm có nguy cơ gây UTGT, thống kê số điện thoại liên lạc với các lực lượng công an phường, xã, dân phòng, lực lượng TNXP… để phối hợp xử lý; tập trung xử phạt các lỗi có nguy cơ gây TNGT, UTGT”.

Về tiêu cực trong lực lượng CSGT, Đại tá Phan Anh Minh nhìn nhận là có, nhưng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, ngành sẽ cố gắng phát hiện xử lý, loại trừ bằng giải pháp xây dựng cổng thông tin điện tử tiếp nhận góp ý của dân; duy trì tổ thanh tra đặc nhiệm giám sát hoạt động CSGT… Riêng tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường, sắp tới Công an TP sẽ tăng cường lực lượng cho công an quận - huyện tham gia xử lý.

Có trị tận gốc “đinh tặc”?

“Nạn rải đinh gây hậu quả nghiêm trọng phần lớn do hiệp sĩ phát hiện, ít thấy lực lượng chức năng, vì sao?” - ĐB Trần Văn Thiện hỏi. ĐB Cao Thanh Bình hỏi thẳng: “Năm nay bắt bao nhiêu “đinh tặc”? Lẽ nào không có liều thuốc nặng để xử lý?”. Theo ĐB Văn Đức Mười chất vấn: “Nạn đua xe trái phép chỉ thấy giải pháp ngăn chặn và bắt, xét nhưng chưa thấy giải pháp tổng thể, căn cơ, vì sao?”. ĐB Lê Thị Ngọc Thanh hỏi: “Tình trạng mất trật tự vùng ven đã đến mức báo động, diễn ra ngay ban ngày, tội phạm có tổ chức, ngành công an có giải pháp gì?”.

Cần giải pháp tổng thể và căn cơ ảnh 2
Cần giải pháp tổng thể và căn cơ ảnh 3

Đại tá Phan Anh Minh cho biết, năm 2011 xảy ra 67 vụ xâm hại tài sản người nước ngoài (phân nửa số vụ xảy ra địa bàn quận 1). Trong các giải pháp của ngành công an là sẽ “đánh mạnh” việc quản lý các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa đã qua sử dụng - những mặt hàng từ cướp giật nhằm giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm do trộm cắp.

Đối với hai vấn đề xử lý “đinh tặc” và đua xe trái phép, Đại tá Phan Anh Minh cho rằng do “pháp luật luôn đi sau thực tế” và khó tìm chứng cứ. Thời gian qua, chính quyền, Công an TP đã triển khai nhiều giải pháp nhưng chỉ được một thời gian, hiệu quả không bền vững. Năm 2011 chỉ phát hiện 3 vụ rải đinh do hầu hết nạn nhân không trình báo. Tuy nhiên, trước bức xúc này, chỉ đạo mới đây của Thường trực Thành ủy, UBND TP, TP sẽ đề ra các tiêu chí để tòa án, viện kiểm sát có cơ sở xử lý đối với 2 hành vi này. Trước mắt, thực hiện các nhóm giải pháp: Phòng kinh tế quận - huyện rà soát, kiểm tra tất cả các điểm kinh doanh sửa xe và kiên quyết không cho đăng ký kinh doanh khi điều kiện không đảm bảo; buộc người đăng ký kinh doanh phải cung cấp thông tin cho công an khi phát hiện vật sắt (đồng dạng, bất thường) gây hư hỏng xe; vận động nạn nhân trình báo, qua đó xác định nơi rải đinh để tập trung “quét dọn”.


VÂN ANH – HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục