Đến nay, cả nước có khoảng 50 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ (KH-CN) được hình thành tại các viện nghiên cứu, trường đại học, khu công nghệ cao.
Lễ tốt nghiệp Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ VIOTEK
Tại đây, DN được cung cấp các dịch vụ và cơ sở vật chất cần thiết từ giai đoạn hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm, cho đến khi thành lập và phát triển DN thành công… Song song đó, DN trong vườn ươm còn được hỗ trợ, hướng dẫn để sản phẩm có mặt trên thị trường được đón nhận. Tuy nhiên, thách thức không phải là không có.
Đào tạo trên 250 việc làm trình độ cao
Khu Công nghệ cao TPHCM có Vườn ươm DN công nghệ cao. Đến nay đã có 5 DN ươm tạo thành công, như Công ty cổ phần Công nghệ ACISC chuyên về dịch vụ hệ thống điều khiển điện thông minh (smarthome) được cơ sở ươm tạo hỗ trợ từ hoàn thiện sản phẩm, kết nối quỹ đầu tư, giới thiệu chuyên gia tư vấn công nghệ; hỗ trợ các dịch vụ tiện ích văn phòng, nhà xưởng, tổ chức hội thảo và triển lãm giới thiệu sản phẩm. Được biết, sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ ACISC là PowerControl - Hệ thống điều khiển giúp kiểm soát trang thiết bị sử dụng điện, tiết kiệm chi phí và bảo vệ an toàn gia đình, với nhiều tính năng vượt trội so với ban đầu, thiết kế nhỏ gọn và dễ dàng lắp đặt nên rất được ưa chuộng.
Trong số 5 DN tại Vườn ươm DN công nghệ cao còn có HoneyB, là DN sản xuất máy cân bằng động - một thiết bị hoạt động bằng hệ thống cơ điện, điều khiển bằng máy tính điện tử giúp tìm ra vị trí chưa cân bằng. Ngoài ra, công ty còn cung cấp và hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng động, thiết bị huấn luyện và đào tạo. Sản phẩm máy cân bằng động được khởi nguồn từ Tiến sĩ Lê Đình Tuân, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước đối với các thiết bị cần độ cân bằng chính xác nhưng giá thành các máy nhập từ nước ngoài khá cao, nên ông đã nghiên cứu chế tạo ra máy cân bằng động với chi phí giá thành bằng 70% so với máy ngoại. Hay mới đây nhất, Trung tâm Nghiên cứu triển khai - Khu Công nghệ cao TPHCM phối hợp với Vườn ươm DN công nghệ cao đồng tổ chức lễ tốt nghiệp cho Công ty cổ phần Phát triển công nghệ VIOTEK và giới thiệu sản phẩm Nacur Vital. Đây là một trong những công ty được hình thành từ chính những nghiên cứu khoa học về nanocurcumin do chính các nhân sự của phòng thí nghiệm nano và phòng thí nghiệm sinh học của Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM thực hiện…
Theo ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm DN công nghệ cao, vườn ươm đã gặt hái được một số kết quả nhất định như tạo ra hơn 250 việc làm có trình độ cao, tổng lũy kế các dự án tham gia chương trình ươm tạo từ năm 2009 đến nay là 31 dự án và quan trọng hơn, vườn ươm không chỉ được hỗ trợ kinh phí hoàn thiện sản phẩm, mà nhóm dự án còn được hỗ trợ tư vấn, đào tạo thương mại hóa, tư vấn pháp lý… để giảm thiểu rủi ro trong quá trình nghiên cứu, thương mại hóa và đẩy mạnh việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Mỗi “lò” đã ươm tạo thành công 5 - 7 DN
Không chỉ tại TPHCM, mà khắp cả nước còn có Trung tâm Ươm tạo DN công nghệ cao (HBI) thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm DN CRC-TOPIC thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Ươm tạo DN phần mềm Quang Trung (SBI), Trung tâm Ươm tạo Nacentech (Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ KH-CN)… với các hoạt động ươm tạo tập trung vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng như: công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ sinh học; tự động hóa, vi điện tử; vật liệu mới; nông nghiệp… và hoạt động các “lò” ươm tạo này cho thấy, trung bình mỗi trung tâm ươm tạo thành công từ 5 - 7 DN.
Cả nước hiện có trên 200 DN được hình thành từ các vườn ươm DN. Các DN này đã rất chú trọng vào việc đầu tư, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Một số DN thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động, không ngừng tạo sản phẩm mới đưa ra thị trường. Trong đó cũng có nhiều DN nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực từ phía đối tác chuyển giao để làm chủ công nghệ… Tuy nhiên, qua thực tế cần thấy rằng, hầu hết các vườn ươm của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, thời gian hoạt động từ 1 - 5 năm. Với thời gian hoạt động này thì phải đối mặt với nhiều thách thức để tạo sức hút thật sự đối với các DN, nhất là sản phẩm. Nhìn vào bức tranh tổng thể về vườn ươm DN cho thấy: Các vườn ươm đang hoạt động riêng lẻ và đặc biệt khâu thương mại hóa các sản phẩm ươm tạo còn hạn chế do thiếu thông tin về thị trường, kinh nghiệm marketing...
Chính vì thế, theo Bộ KH-CN, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH-CN vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu hết sức quan trọng mà Bộ KH-CN cần nỗ lực để đạt được. Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý cho hoạt động ươm tạo và phát triển các DN KH-CN cùng với việc kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, DN và đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu để các cơ sở ươm tạo hoạt động được hiệu quả
Ngay tại TPHCM còn có Trung tâm Ươm tạo DN KH-CN Đại học Bách khoa TPHCM, là một trong những cơ sở tiên phong đặt trong trường đại học, đã ươm tạo thành công hàng chục DN, trong đó nhiều DN đã phát triển mạnh. Cụ thể như Công ty cổ phần Công nghệ thông minh Ưu Việt (INext Technology) đã có tên tuổi trên thị trường với sản phẩm đầu đọc card theo công nghệ RFID, hệ thống chẩn đoán y tế online, card giao tiếp FXS/FXO cho hệ thống VoIP…
Bá Tân