Cân nhắc với thẻ hành nghề

Tại hội thảo “Nghề người mẫu ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất” do Hội Người mẫu Việt Nam tổ chức ngày 23-12, vấn đề thẻ hành nghề lại một lần nữa nóng lên trước thông tin được Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) Nguyễn Đăng Chương cho biết, dự kiến hết quý 1-2016 sẽ tiến hành cấp thẻ hành nghề cho người mẫu.

Theo đó, hiện nay Bộ VH-TT-DL đã báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi Nghị định 79, trong đó quy định rõ về việc cấp thẻ hành nghề cho người mẫu. Dự kiến việc cấp thẻ được tiến hành sau quý 1-2016 và đơn vị đứng ra thẩm định cấp thẻ hành nghề sẽ là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương và Hội Người mẫu Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, thông qua việc cấp thẻ hành nghề, Nhà nước công nhận người mẫu là một nghề thực thụ. Cơ quan quản lý nhà nước và xã hội sẽ phải có trách nhiệm bảo trợ, hỗ trợ người mẫu trong hoạt động, đồng thời tôn vinh những đóng góp của người mẫu với sự phát triển của đất nước. Quan trọng hơn, thông qua việc cấp thẻ hành nghề sẽ loại bỏ những đối tượng mượn danh người mẫu làm những công việc bất chính.

Thực ra việc cấp thẻ hành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là vấn đề không mới nhưng gần như mỗi khi được đề cập trở lại đều tạo nên những luồng dư luận trái chiều. Trên thực tế, hoạt động này được khởi xướng từ năm 1999 nhưng bị chết yểu sau 3 năm triển khai, do chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính và bãi bỏ các loại giấy phép con. Đã có gần 10.000 văn nghệ sĩ trong cả nước được cấp thẻ trong giai đoạn này. Vào thời điểm đó, Sở VH-TT TPHCM đã tổ chức nhiều đợt thẩm định. Có ca sĩ đã bỏ cuộc trước câu hỏi: “Việt Nam có bao nhiêu nhạc cụ dân tộc?”. Cô ca sĩ trả lời không biết, vì chỉ biết hát! Và số tiền chi ra cho hoạt động cấp thẻ hành nghề vào thời điểm đó, tính riêng tại TPHCM, đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tiếp đó, đầu năm 2014, Bộ VH-TT-DL tiếp tục phê duyệt đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu nhưng rồi quy định này vẫn “nằm im” cho đến hôm nay.

Chưa rõ quy định về cấp phép hành nghề người mẫu nói riêng và hoạt động biểu diễn nói chung sau khi sửa đổi sẽ như thế nào nhưng rõ ràng sau nhiều lần triển khai bất thành, dư luận có quyền đặt câu hỏi về tính thực tiễn cũng như khả thi của quy định này. Không phải ngẫu nhiên mà tại hội thảo nêu trên có người đã đặt thẳng câu hỏi rằng, việc cấp thẻ hành nghề đối với người mẫu là chúng ta học tập kinh nghiệm từ các nước hay đây là sáng kiến riêng của Việt Nam? Câu hỏi này đã khiến ông Nguyễn Đăng Chương khá lúng túng và phải lấp lửng viện dẫn đến thông tin rằng, mới đây Pháp đã ban hành quy định về các tiêu chuẩn như chiều cao, số đo ba vòng... đối với người mẫu. Tuy nhiên, rõ ràng việc quy định chiều cao, số đo ba vòng là quy chuẩn mang tính định lượng chứ không hề liên quan đến việc cấp thẻ hành nghề!

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận và truyền thông quan tâm đến vấn đề quy định cấp thẻ hành nghề biểu diễn. Bởi, mục tiêu cuối cùng khi ban hành quy định này là nhằm chấn chỉnh hoạt động biểu diễn cũng như hạn chế những phát sinh tiêu cực của hoạt động này. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trong thực tế vừa qua, người ta không thể không đặt câu hỏi liệu lần này khi triển khai có đi vào vết xe đổ như những lần trước hay không? Bởi nếu thêm một lần nữa khi triển khai vào thực tế bất khả thi, nó không chỉ gây tốn kém, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội (suy cho cùng cũng là từ tiền thuế của người dân) mà trên hết nó sẽ góp phần làm xói mòn niềm tin của người dân vào năng lực thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước. Đây mới là điều nguy hiểm và cần thiết cân nhắc.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, hiệu lực và ý nghĩa của thẻ hành nghề biểu diễn vẫn chỉ là hình thức. Trong khi đó, việc quản lý căn cơ lĩnh vực này lại bị thả nổi. Ngành chức năng vẫn đuối sức trong quản lý ca sĩ, nghệ sĩ…

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục