Cần thiết có 1 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Sáng nay, 11-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình trước Quốc hội về việc tăng số Phó Thủ tướng.

(SGGPO). - Sáng nay, 11-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình trước Quốc hội về việc tăng số Phó Thủ tướng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội về cơ cấu tổ chính Chính phủ khóa XIII gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Về số lượng Phó Thủ tướng, Thủ tướng đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn 4 Phó Thủ tướng và dự kiến phân công nhiệm vụ các Phó Thủ tướng, cụ thể: 1 Phó Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo khối kinh tế tổng hợp và chính sách phát triển nông thôn; 1 Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo khối kinh tế ngành và phát triển sản xuất; 1 Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo khối văn hóa xã hội, khoa học và giáo dục; 1 Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo khối nội chính và trực tiếp làm Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Qua thực tiễn nhiệm kỳ khóa XII, việc có 5 Phó Thủ tướng trong đó 1 Phó Thủ tướng trực tiếp làm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là cần thiết cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tuy nhiên để có thêm thời gian chuẩn bị, tại thời điểm đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; khi có đủ điều kiện Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn bổ nhiệm thêm chức danh Phó Thủ tướng trực tiếp làm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và có nghị quyết 03/2011/QH13 ngày 2-8-2011 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó Thủ tướng nhiệm kỳ khóa XIII. Nay đã có đủ điều kiện, Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ sung thêm 1 Phó Thủ tướng để phân công trực tiếp làm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Báo cáo thẩm tra về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết ủy ban này cũng nhất trí với đề nghị của Thủ tướng và việc phân công 1 Phó Thủ tướng trực tiếp làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là cần thiết cho công tác đối ngoại.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận đoàn về 2 nội dung trên.

NGỌC QUANG

Các thành viên Chính phủ nên có chương trình hành động

Sáng nay, 11-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và tờ trình về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ.

 PV SGGP ghi nhận ý kiến một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về hoạt động quan trọng này.

*Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Theo chương trình kỳ họp đã được thông qua thì không có việc hai tân Phó Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội. Tất nhiên, tôi tin tưởng và sự giới thiệu của Thủ tướng Chính phủ, vì Thủ tướng trước khi giới thiệu còn thông qua nhiều cơ quan chức năng khác. Nhưng tôi đề nghị là các vị tân Phó Thủ tướng để được Quốc hội phê chuẩn thì ít nhất phải có một đối thoại với Quốc hội hoặc có bản chương trình hành động để ĐBQH  biết anh là ai, chương trình hành động sắp tới của anh thế nào, có những lĩnh vực nào anh phụ trách và có đột phá gì với lĩnh vực đó. Có như vậy thì ĐBQH mới yên tâm để bỏ lá phiếu phê chuẩn đối với các chức danh quan trọng này theo đề nghị của Thủ tướng. Ít nhất, người đứng ra phê chuẩn phải biết được nhân thân của anh thế nào, chương trình hành động của anh ra sao, rồi những đột phá chiến lược gì khi mà anh đảm nhiệm cương vị đó. 

Cá nhân tôi  đánh giá cao 2 Bộ trưởng được giới thiệu làm Phó Thủ tướng. 2  thành viên Chính phủ này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thời gian qua trọng trách của ông gắn với việc khởi sắc công tác ngoại giao. Trên trường quốc tế, ngoại giao Việt Nam cũng được đánh giá tốt, tham gia hội nhập ngoại giao đa phương, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nghị viện, ngoại giao nhân dân. Đặc biệt là chúng ta tham gia vào các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng rất tốt. Bản thân Bộ trưởng Ngoại giao cũng được đánh giá là năng động, sáng tạo. Chính vì thế, công tác đối ngoại của Nhà nước ta được đánh giá là thành công, thắng lợi trong thời gian qua. Còn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam là một thành viên Chính phủ còn trẻ, năng động; đã được luân chuyển qua nhiều cương vị công tác; là lãnh đạo của Bộ TT-TT, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh…

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải phòng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Uỷ ban pháp pháp luật của Quốc hội đã họp để thông qua nhân sự bên Chính phủ trình tại kỳ họp này, các thành viên của Chính phủ đã giải thích. Các thành viên Uỷ ban pháp luật cũng đánh giá cần thiết bổ sung chức danh Phó Thủ tướng. 

Nói chung, các ĐBQH và người dân đều muốn như các nước là khi anh chuẩn bị nhận một chức gì đó anh phải có chương trình hành động. Ở ta thì trong kỳ họp này chưa thấy chương trình đó. Nhưng các ĐBQH đã nắm được những vị chuẩn bị dự kiến đưa ra phê chuẩn, cũng nắm được tiểu sử, công việc. Đây là một điều kiện thuận lợi.
Nói chung những nhân sự Chính phủ trình lần này tôi thấy rất tốt, đạt yêu cầu. Tôi rất đặt kỳ vọng những đồng chí này khi đảm nhiệm vị trí mới sẽ khắc phục, nhìn nhận được những tồn tại cũ nhưng phải tiếp thu được những cái tốt đẹp của cái cũ để làm tốt công việc của Chính phủ, đặc biệt là làm sao thúc đẩy được kinh tế phát triển, đảm bảo được đời sống nhân dân, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

ĐB Huỳnh Minh Thiện, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM, ĐBQH TPHCM.

Nhân sự mà Quốc hội xem xét phê chuẩn lần này gồm 2 Phó Thủ tướng và 1 Bộ trưởng thì là nhân sự cấp cao rồi, lĩnh vực họ điều hành rất rộng. Vì thế lẽ ra mỗi người đều phải có chương trình hành động thật chi tiết, cụ thể để thể hiện quan điểm, phương pháp điều hành, quản lý của mình. Nhất là những lĩnh vực mà tới đây họ sẽ phụ trách đang có khó khăn gì và họ sẽ tháo gỡ ra sao, đột phá thế nào. 

Tôi cũng như các ĐBQH khác đều đặt vấn đề các nhân sự chủ chốt được Quốc hội bầu và phê chuẩn nên có chương trình hành động. Mỗi ĐBQH chúng tôi khi ra ứng cử đều phải có chương trình hành động, vì thế mỗi nhân sự cấp cao rất cần phải có.

PHAN THẢO thực hiện

Tin cùng chuyên mục