Thời đại công nghệ thông tin phát triển, từ giáo viên, học sinh đến cả phụ huynh đều “chơi” facebook. Nhưng sẽ không có gì đáng nói nếu tất cả mọi người đều xem facebook như một kênh thông tin - giao tiếp, chia sẻ những tâm tư, tình cảm mà khi đối mặt trực tiếp người trong cuộc rất khó bày tỏ. Cư dân mạng đã nhiều lần chứng kiến những lời xin lỗi dễ thương của học trò gởi đến các thầy cô giáo, hay những câu góp ý chân thành mang tính chất xây dựng của giáo viên, giúp học trò nhận ra những việc làm sai nhưng vẫn trên tinh thần thoải mái, gần gũi. Sinh nhật cô giáo, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng thông qua facebook gởi những dòng tin nhắn chúc mừng, những hộp quà dù chỉ có giá trị ảo nhưng đủ khiến người nhận cảm thấy hạnh phúc. Hay sau một chuyến đi chơi chung của cả lớp, từng bức ảnh được “post” (đăng tải) lên với vô số những “comment” (chia sẻ) bày tỏ sự vui sướng và quý trọng những tình cảm đang có, đó sẽ là những hồi ức đẹp mà sau này bất cứ khi nào từng thành viên cũng có thể mở ra xem lại. Ở một khía cạnh nào đó, facebook đã làm tốt vai trò cầu nối, giúp mọi người dù ở cách xa nhau vẫn trở nên gần gũi, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Nhưng đằng sau những sợi dây tình cảm ấm áp đó, vẫn tồn tại đây đó một vài trường hợp chủ nhân xem facebook như một công cụ khai thác đời sống tình cảm cá nhân của người khác, hoặc để nói xấu, gởi tin nhắn nặc danh, thậm chí bôi nhọ danh dự người khác. Đơn cử gần đây một giáo viên (yêu cầu không nêu tên) của một trường THCS trên địa bàn quận 9 (TPHCM) cho biết liên tục nhận những tin nhắn quấy rối từ một tài khoản facebook lạ. Sau nhiều ngày điều tra, tìm hiểu, cô mới biết chủ nhân của tài khoản nói trên là một học sinh cũ do cô từng dạy trước đây. Em này sau khi thi rớt lớp 10 đã thi vào một trường nghề và hiện đang theo học ngành thợ điện. “Em là một trong số những học sinh cá biệt từng bị tôi hạ hạnh kiểm năm đó. Có lẽ do bất mãn quyết định của tôi nên mặc dù đã ra trường 2 năm, em vẫn theo dõi facebook của tôi và thường xuyên có những lời bình luận khiếm nhã”, giáo viên này cho biết.
Một trường hợp khác, một giáo viên tiểu học ở quận 3 sau khi vô tình lên facebook bày tỏ tâm trạng đau đớn vì phải chia tay mối tình kéo dài hơn 4 năm, đã liên tục bị phụ huynh vào phê phán với những lời lẽ tức giận như: “Nếu muốn than thở chuyện yêu đương, cô hãy giới hạn đối tượng người xem. Đừng để đầu óc non nớt của các cháu bị chi phối bởi những chuyện này”, hay “Giáo viên mà than thở, khóc lóc thế này thì làm sao ngày mai vô lớp quản được học sinh”…
Rất nhiều trường hợp chỉ vì vô tình, giáo viên đã đánh mất đi hình tượng đứng đắn của mình trước mặt học sinh mà nguyên nhân chỉ từ một bức ảnh chụp hay vài dòng chia sẻ cảm xúc trên facebook. Do đó, không ít lần trong các cuộc họp chuyên môn, hiệu trưởng luôn nhắc nhở các giáo viên, đặc biệt là những thầy cô giáo trẻ, nên sử dụng facebook một cách có chừng mực. Đừng để những dòng chữ “ảo” đánh tan đi giá trị “thật”, đặc biệt là các thầy cô đang muốn xây dựng hình ảnh của mình trong mắt học sinh và phụ huynh.
HỒNG MINH