Cần xếp hạng các bộ, ngành địa phương về cải cách hành chính

Hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Quyết định số 22/2006 của Thủ tướng về xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm qua 18-1, đều có chung kiến nghị cần đưa các bộ, ngành, địa phương lên bảng xếp hạng về cải cách hành chính (CCHC). Bởi, phải có áp lực cộng đồng và quyết tâm trong hệ thống thì CCHC mới hiệu quả.

  • 1.314 ngày mới làm xong thủ tục đất đai

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Hữu Huỳnh cho biết, cuộc điều tra mới đây của VCCI đối với 6.379 doanh nghiệp dân doanh cho thấy, có doanh nghiệp đã mất tới 1.314 ngày mới hoàn thành thủ tục về đất đai thông thường! Có tới 62,8% doanh nghiệp được điều tra trả lời sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh của mình nếu dễ dàng tiếp cận với đất đai hơn.

Trong khi đó, giấy phép kinh doanh và các quy định liên quan đến kinh doanh ở Việt Nam được đánh giá là rất phiền hà. Qua rà soát 37 giấy phép kinh doanh của một số ngành, VCCI nhận thấy 89% số giấy phép có vấn đề về thủ tục cấp phép. Để nhận được tất cả các giấy phép cần thiết, 17,8% số doanh nghiệp đã phải mất từ 30 đến 90 ngày.

Trong khi đó, trao đổi với PV báo SGGP, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho biết, qua rà soát 250 giấy phép của các bộ, cơ quan này phát hiện khoảng 40 giấy phép thuộc loại không chỉ là giấy phép con mà còn là giấy phép “cháu”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ VH-TT là 3 bộ có nhiều giấy phép “con”, “cháu” cần loại bỏ nhất.

Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Việt Nam - ông Nguyễn Võ Liễu bức xúc: “Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị bãi bỏ quy định bấm lỗ giấy phép lái xe, Bộ chuyên ngành hứa tiếp thu nhưng “ngâm cứu” mãi, nay vẫn chưa bãi bỏ.

Tương tự là quy định giam giữ xe ô tô vi phạm. Xe ô tô là tài sản của doanh nghiệp nên “giam xe” sẽ gây rất nhiều khó khăn. Đó là chưa nói đến việc khi lấy được xe ra, doanh nghiệp phải chi số tiền không nhỏ tu sửa mới sử dụng được.

  • Trọng tâm là cải thiện mối quan hệ với dân

Thừa nhận đã có những chuyển biến nhất định trong CCHC nhưng ông Nguyễn Minh Mẫn, Vụ trưởng Vụ CCHC, Văn phòng Chính phủ thừa nhận, một số bộ, ngành, địa phương vẫn thực hiện CCHC một cách hình thức. Đáng quan ngại là không ít trường hợp người dân và doanh nghiệp còn e ngại không dám nêu cụ thể tên cán bộ, cá nhân nhũng nhiễu.

Theo ông Mẫn, trọng tâm trong CCHC năm nay sẽ tập trung giảm các thủ tục phiền hà, cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan công quyền với người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng sẽ ban hành một Nghị định sửa đổi hàng loạt bất hợp lý ở các nghị định khác. Tương tự, Quốc hội cũng sẽ ban hành một văn bản quy phạm pháp luật sửa cùng lúc các bất hợp lý ở nhiều luật khác nhau.

Trong khi đó, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, cuối tháng này, sẽ trình Thủ tướng ra quyết định bãi bỏ 40 giấy phép “con”, “cháu”. Năm qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố đã sửa đổi, bãi bỏ 24 văn bản do địa phương ban hành trái với Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Nghiêm khắc hơn, Bộ GT-VT đã kỷ luật 10 cán bộ vì gây khó khăn và nhận tiền khi kiểm tra phương tiện. Và các kiến nghị cụ thể nói trên, ông Mẫn cho hay, các bộ đã được yêu cầu phải sửa đổi. Trong đó, Bộ GT-VT và Bộ Công an đang nghiên cứu, sửa đổi quy định xử phạt vi phạm an toàn giao thông; xây dựng đề án điều chỉnh lại tốc độ xe cơ giới cho phù hợp…

Tuy nhiên, theo đề nghị của ông Trần Hữu Huỳnh, hàng năm cần phải đánh giá xếp hạng về CCHC của các bộ, ngành, địa phương; từ đó, có biện pháp xử lý đối với các đơn vị chậm trễ CCHC.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết, ngày 18-1, Thủ tướng đã ký văn bản nhắc nhở các bộ chậm báo cáo rà soát, sửa đổi văn bản và quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc CCHC, là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2007.

NAM QUỐC

Báo cáo việc chấn chỉnh kỷ cương hành chính trước ngày 30-1

Hôm qua 18-1, Thủ tướng đã ký công văn số 100 yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, TP nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 32/2006 của Thủ tướng về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Đối với 11 lĩnh vực thủ tục có nhiều bức xúc nhất, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cụ thể cho 8 bộ, ngành tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá để xem xét bãi bỏ ngay hoặc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-12-2006, nhưng cho đến nay vẫn còn 3 bộ (Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ) chưa có báo cáo kết quả thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu 3 bộ nêu trên và những bộ, ngành, địa phương chưa có báo cáo thực hiện Chỉ thị 32 phải nghiêm túc triển khai thực hiện và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-1. Thủ tướng cũng yêu cầu, ngay trong quý 1, cần tập trung chỉ đạo thực hiện: kiểm tra việc thực hiện niêm yết công khai toàn bộ quy trình, thủ tục hành chính, thời hạn giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp tại tất cả các điểm tiếp nhận hồ sơ tài liệu, những nơi làm việc với người dân, doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức dịch vụ công trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính.

N.Q.

Tin cùng chuyên mục