Sau loạt bài Bia ôm thác loạn và phản hồi của các ngành chức năng, địa phương, Báo SGGP nhận được khá nhiều ý kiến từ bạn đọc. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến.
- Đoàn liên ngành làm gì?
Câu hỏi của đại tá Phan Hồng Khanh, Trưởng Công an quận Bình Thạnh, đặt ra khiến tôi suy nghĩ hoài. Theo quy định, Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội TPHCM (Đoàn 2) đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Nếu cơ sở có các hành vi vi phạm, Đoàn 2 lập biên bản rồi gửi về, đề nghị Thanh tra Sở VH-TT-DL TPHCM và Hội đồng xử lý vi phạm hành chính xử phạt. Khi xảy ra các kiểu ăn chơi thác loạn trên địa bàn, ông Lê Văn Quý (Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội kiêm Trưởng đoàn 2) cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về quận, phường; việc xâm nhập bắt quả tang là của công an chứ Đoàn 2 hiếm khi gặp được những cảnh như báo nêu (!?).
Đoàn 2 được quyền kiểm tra chứ không chịu trách nhiệm xử lý. Còn nơi xử lý thì thường tiếp nhận hồ sơ kiểm tra rồi ra quyết định xử phạt. Như thế sẽ rất khó bảo đảm tính chính xác, hợp lý hợp tình trong các quyết định xử lý. Do đó, câu hỏi của đại tá Phan Hồng Khanh khơi đúng vai trò, trách nhiệm của Đoàn 2 khi để cho tình trạng ăn chơi thác loạn diễn ra. Cách hoạt động có quyền nhưng gắn ít trách nhiệm cần phải được xem lại về hiệu quả khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm.
NGUYỄN HUY (quận 8)
- Cần xử lý đến nơi đến chốn
Qua phản hồi của cơ các cơ quan chức năng, tôi thấy có sự đùn đẩy, biện minh, đồng thời cũng thấy cách quản lý còn nhiều chồng chéo, thiếu hiệu quả. Dân biết được, tài xế xe ôm, taxi cũng biết nhưng cơ quan chức năng trả lời không biết hoặc khó kiểm tra vì không có nghiệp vụ là khó chấp nhận.
Việc lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm xử lý triệt để các vướng mắc thì ông Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành lại trả lời không có chức năng, yếu nghiệp vụ, “chỉ biết vụ việc khi đi chơi với bạn bè”, vậy thành lập đoàn liên ngành làm gì cho tốn kém. Vấn đề chính là cách quản lý của các ngành còn quá lỏng lẻo, thiếu kiểm ra, giám sát; xử lý không nghiêm minh theo pháp luật.
HOÀNG HỮU TÀI (quận Thủ Đức)
- Nghi vấn có bao che
Đọc trả lời của ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM kiêm Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TPHCM (Đoàn 2) mới thấy bất cập trong quản lý hiện nay. Bên công an thì chỉ có Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chứ không có Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) đi cùng.
Tại cơ sở 420 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), dù tiếp viên thừa nhận bán dâm, khách thừa nhận mua dâm nhưng khi công an đến lại nói không tham gia ngay từ đầu, đâu bắt quả tang, rồi vụ việc không xử lý hình sự được. Trả lời như thế là thiếu thuyết phục, không minh bạch, làm nhiều người nghi ngờ có sự bao che.
TRẦN VĂN THÀNH (quận Bình Thạnh)
- Cách chức nếu địa bàn xảy ra bia ôm
Tôi cũng là người mở nhà hàng, cà phê buôn bán chân chính nhưng cứ bị đoàn kiểm tra liên ngành quận, phường, công an khu vực đến kiểm tra liên tục. Nào giấy phép, trật tự, hợp đồng lao động, giấy khám sức khỏe của nhân viên… mặc dù tôi có đầy đủ cả nhưng vẫn bị vặn vẹo đủ điều. Được tư vấn của một người bạn, những lần sau tôi đều có “bồi dưỡng” thì “xuôi chèo mát mái” mới lạ chứ!
Thiết nghĩ, địa phương nào để xảy ra kiểu kinh doanh thác loạn như Báo SGGP phản ánh thì trước tiên chủ tịch UBND phường và trưởng công an phường phải bị kỷ luật nặng, có thể bị cách chức. Chính quyền địa phương quản lý địa bàn mà nói không biết là vô lý quá. Không thể đổ thừa do yếu nghiệp vụ, vậy tại sao người dân, nhà báo đều biết và có thể quay phim chụp hình được. Nếu cơ quan chuyên môn, chuyên ngành mà nói kiểu vậy thì rất khó phòng chống triệt để tệ nạn xã hội.
NGUYỄN VĂN NAM (quận Bình Tân)
| |
| |