Kỷ niệm 43 năm Ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân

“Càng được biểu dương, trách nhiệm của chúng tôi càng lớn”

“Càng được biểu dương, trách nhiệm của chúng tôi càng lớn”

Là “Tư lệnh” lực lượng Cảnh sát toàn quốc, Thiếu tướng Trần Văn Thảo - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an - dù rất bận rộn, vẫn dành cho phóng viên báo SGGP cuộc trao đổi chung quanh một số vấn đề về hoạt động của lực lượng mà người dân quan tâm, nhân kỷ niệm 43 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Nhân dân.

- PV:
Thưa Thiếu tướng, người dân mong muốn được sống trong môi trường xã hội an lành, “ra đường không sợ bị cướp giật, về nhà không sợ bị trộm cắp, con cái không bị nghiện ma túy”. Theo ông, lực lượng Cảnh sát đã đáp ứng mong muốn ấy được đến đâu?

“Càng được biểu dương, trách nhiệm của chúng tôi càng lớn” ảnh 1

Thiếu tướng Trần Văn Thảo.

- Thiếu tướng Trần Văn Thảo: Nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng nói trên của người dân cũng chính là một trong những nhiệm vụ của chúng tôi. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, qua đó đã liên tục kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc.

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2005, lực lượng Cảnh sát đã điều tra, khám phá 13.228 vụ phạm pháp hình sự các loại, bắt giữ xử lý 17.268 đối tượng; triệt phá 2.125 ổ nhóm tội phạm với 5.259 tên lưu manh chuyên nghiệp; bắt giữ hơn 8.000 đối tượng ở 5.676 vụ buôn bán sử dụng ma túy; triệt phá 476 vụ mại dâm, bắt 2.387 ổ cờ bạc, xử lý hơn 11.000 đối tượng… Có thể nói, tình hình tội phạm tiếp tục được kiềm chế, trật tự xã hội ổn định, không có biến động lớn, các loại trọng án đều có số vụ giảm.

- Nhưng trên thực tế, bình quân, mỗi ngày vẫn còn xảy ra khoảng trên 100 vụ, việc các loại…

- Đây là điều khiến chúng tôi ưu tư, trăn trở. Dù rằng con số này có thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và quốc tế nhưng không vì thế mà chúng ta có thể bằng lòng. Thời gian tới đây, lực lượng Cảnh sát sẽ tiếp tục tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sức mạnh toàn dân tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Chúng tôi mong mỏi nhân dân cùng chúng tôi sát cánh hơn nữa trong sự nghiệp giữ gìn sự bình yên hạnh phúc.

- Thời gian qua, TCCS phá hàng loạt các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn. Đó là chiến công nhưng vẫn tiếc là “những chiến công có tổn thất” – vì nhà nước bị mất cán bộ, ngân sách bị xâm hại. Xin hỏi Thiếu tướng, lực lượng Cảnh sát có cách nào giúp nhà nước phòng ngừa từ xa những “căn bệnh” trong lĩnh vực kinh tế?

- Bên cạnh nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, chúng tôi còn thực hiện chức năng tham mưu cho Đảng, Chính phủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, trong đó chú trọng phát hiện các sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách, pháp luật dễ bị tội phạm lợi dụng. Có thể điểm qua một số việc mà lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện như việc các doanh nghiệp lợi dụng chính sách nội địa hóa xe máy để trốn thuế khoảng 3.000 tỷ đồng; việc lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhà nước; những hiện tượng tiêu cực trong quản lý hệ thống điện nông thôn; việc lợi dụng quy định chưa chặt chẽ để lừa đảo bằng thủ đoạn bán đất trên bản vẽ của các dự án địa ốc v.v…

Qua sự tham mưu của lực lượng cảnh sát, Chính phủ, các bộ ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, ngăn chặn được tổn thất xảy ra. Mong muốn của lực lượng Cảnh sát luôn là chống được tham nhũng, tiêu cực bằng những “chiến công trọn vẹn”, không để nhà nước bị mất mát cán bộ, tổn thất ngân sách.

“Càng được biểu dương, trách nhiệm của chúng tôi càng lớn” ảnh 2

Chiến sĩ cảnh sát luyện tập trên thao trường.

- Xin được hỏi, trong những khó khăn, gian khổ mà lực lượng CSND phải đối mặt và vượt qua, ông “sợ” thuộc cấp của mình khó vượt qua điều gì nhất?

- Cái mà tôi sợ nhất là anh em không vượt qua được chính bản thân mình. Đối mặt với hiểm nguy, cán bộ chiến sĩ chúng tôi không run sợ nhưng trong cơ chế thị trường còn nhiều tác động và cám dỗ hiện nay, nếu không chiến thắng bản thân mình, anh em có thể bị gục ngã bởi những “viên đạn bọc đường”.

Trong cuộc sống, nói về đồng lương, chế độ chính sách, cán bộ chiến sĩ công an cũng giống như mọi người khác, thậm chí hoàn cảnh công tác còn có điểm khó khăn hơn. Trong khi đó, cám dỗ của những đối tượng vi phạm pháp luật đưa ra là rất lớn. Cái đáng sợ nhất là anh em suy nghĩ không hết, không vượt qua được khó khăn mà có việc làm sai. Chúng tôi đã có những lúc xử lý cán bộ mà phải rơi nước mắt vì thương cho hoàn cảnh của anh em.

- Ngày truyền thống của lực lượng mà nói về cái chưa được thì… mất vui nhưng thực tế, bên cạnh nhiều thành tích trong hoạt động của mình, lực lượng Cảnh sát vẫn còn có những điểm bị người dân phàn nàn.

- Đó là những điều nhức nhối mà lãnh đạo TCCS luôn suy nghĩ. Trong thời kỳ đổi mới vừa qua, có lẽ Cảnh sát là một trong những lực lượng hy sinh nhiều nhất: 117 đồng chí hy sinh và trên 500 cán bộ chiến sĩ bị thương. Điều này ít ai biết. Trong khi đó, người dân lại hay phải chứng kiến một số hiện tượng tiêu cực của một số cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, làm buồn lòng và giảm sút niềm tin của người dân vào lực lượng cảnh sát.

Một trong những vấn đề đặt ra trong thời gian tới mà lãnh đạo TCCS rất quan tâm là tạo được mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Cảnh sát với nhân dân, làm sao để tất cả cán bộ chiến sĩ trong hoạt động của mình đều vì nhân dân mà phục vụ –tức là giảm bớt những cái gây phiền hà, những cái chưa tốt.

- Lực lượng CSND đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng vào năm 2003. Cảm nghĩ của ông về phần thưởng cao quý ấy?

- Với chúng tôi, phần thưởng cao quý đó không phải là “điểm đến cuối cùng”. Mục đích, lý tưởng phấn đấu, niềm hạnh phúc - đồng thời là sứ mệnh và nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước giao phó - của lực lượng Cảnh sát là bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân; là góp sức xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh, hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm và các loại tai nạn, tệ nạn. Chúng tôi không lúc nào bằng lòng với những việc đã làm được, kể cả ở những vụ án thành công, chúng tôi vẫn tìm trong đó những gì mình làm chưa tốt để rút kinh nghiệm và khắc phục.

Chúng tôi biết trong công việc, bên cạnh những ưu điểm luôn còn nhiều tồn tại. Có những cái, dù báo chí không biết, không viết nhưng chúng tôi cũng tự cảm thấy chưa thỏa mãn. Ví dụ, có những vụ án quá trình điều tra khám phá còn chậm, dù dư luận không nêu vấn đề nhưng chúng tôi vẫn nói với nhau trách nhiệm của từng đồng chí một, xác định đây là món nợ với nhân dân, phải làm khẩn trương, nhanh chóng phá án. Có thể nói, càng được biểu dương, ghi nhận bao nhiêu, trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng tôi lại càng lớn lao bấy nhiêu.

PHONG LAN (thực hiện)
 

Tin cùng chuyên mục