Cảnh báo hiện tượng kinh doanh trí tuệ trái phép

Ngang nhiên vi phạm
Cảnh báo hiện tượng kinh doanh trí tuệ trái phép

Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie Việt Nam) vừa khởi kiện một cá nhân vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của cơ sở đào tạo này. Hiện nay, tình trạng khai thác, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đào tạo có thương hiệu riêng hoặc toàn cầu đang có dấu hiệu bộc phát ở Việt Nam. Thế nhưng việc ngăn chặn, xử lý chưa nghiêm minh.

Một chuyên gia huấn luyện nói chuyện trong buổi Hội thảo chuyên đề Hành trình gắn kết đội ngũ của Dale Carnegie Việt Nam. (Ảnh từ website của trường).

Một chuyên gia huấn luyện nói chuyện trong buổi Hội thảo chuyên đề Hành trình gắn kết đội ngũ của Dale Carnegie Việt Nam. (Ảnh từ website của trường).

Ngang nhiên vi phạm

Bà Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Dale Carnegie Việt Nam, khẳng định Dale Carnegie Việt Nam là chủ thể duy nhất tại Việt Nam được nhượng quyền và độc quyền sử dụng hệ thống, chương trình, giải pháp, phương pháp huấn luyện của Dale Carnegie toàn cầu (Mỹ). Đó là các tác phẩm tiêu biểu như kỹ năng thuyết trình đạt hiệu quả cao; lợi thế bán hàng vượt trội; đội, nhóm làm việc hiệu quả cao; kỹ năng lãnh đạo dành cho các nhà quản lý; lãnh đạo đột phá…

Vậy mà, ông Lê Như Hiếu, cựu nhân viên, huấn luyện viên cơ sở đào tạo này đã ngang nhiên sử dụng các tài liệu, sản phẩm giảng dạy của Dale Carnegie Việt Nam. Không những thế, ông Hiếu còn thành lập công ty riêng để khai thác và trục lợi từ bản quyền các sản phẩm đã được đăng ký chứng nhận quyền tác giả theo quy định của Việt Nam. Đưa ra bằng chứng thu thập về chứng cứ vi phạm trong nhiều năm qua, bà Trịnh Khánh Linh nhấn mạnh, ông Lê Như Hiếu đã sao chép, sử dụng các sản phẩm của Dale Carnegie Việt Nam như chương trình, phương pháp đào tạo, huấn luyện, nội dung tài liệu… giống 99%.

Đây là sản phẩm trí tuệ nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo của Mỹ và kết hợp với sự sáng tạo của Dale Carnegie Việt Nam nên họ sẽ cương quyết nhờ pháp luật bảo vệ thành quả sở hữu trí tuệ của mình. Phân tích những vi phạm của ông Lê Như Hiếu, GS-TS Nguyễn Vân Nam cảnh báo rằng hành vi của ông Hiếu không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Dale Carnegie Việt Nam mà còn vi phạm đối với Dale Carnegie & Associates (Mỹ). Vì thế, ông Nam cũng lưu ý khả năng có thể đề nghị đơn vị này khởi kiện ông Hiếu tại tòa án Mỹ.

Bảo vệ đạo lý kinh doanh

Thực tế cho thấy, vì hám lợi và cạnh tranh thiếu lành mạnh, các cá nhân, cơ sở giáo dục - đào tạo thường “ăn cắp” bản quyền và khai thác sử dụng những sản phẩm trí tuệ có uy tín toàn cầu hoặc dịch vụ sáng tạo riêng biệt như nêu trên. Còn về phía người học, một phần do thiếu hiểu biết và cũng ham “của rẻ” nên không biết mình đang sử dụng chương trình, nội dung đào tạo bị sao chép một cách trái phép.

Theo đại diện của Dale Carnegie Việt Nam, trước mắt họ chưa đặt vấn đề bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần mà chỉ đòi ông Hiếu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, cam kết không tái phạm và công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều người hiểu về quyền tác giả và khái niệm sở hữu trí tuệ, nhưng một số người vẫn ngang nhiên vi phạm và hiện tượng này ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Đó là nhận định của các chuyên gia về pháp luật và theo họ, việc ngăn chặn, xử lý hành vi trên chưa nhiều.

Trước nhu cầu hội nhập quốc tế và mong muốn của người học được tiếp cận với những sản phẩm đào tạo tiên tiến, độc đáo, các cơ sở giáo dục - đào tạo phải cạnh tranh gay gắt để phát triển bền vững. Tuy nhiên, thay vì phải đầu tư chi phí, gầy dựng tên tuổi, uy tín, nhiều cơ sở đào tạo lại sao chép, sử dụng trái phép các tác phẩm, sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ.

Đề cập đến vấn đề nhức nhối này, GS-TS Nguyễn Vân Nam cho rằng việc sao chép nội dung, chương trình như vụ khởi kiện của Dale Canegie rất đáng báo động. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo hiện nay, tình trạng sao chép một phần tác phẩm, tác giả, rồi “xào nấu” lại, thêm thắt “gia vị” cho khác một chút diễn ra khá phổ biến. Hành vi cố tình lập lờ này vẫn bị coi là vi phạm và khi sử dụng sở hữu trí tuệ, dù chỉ một phần nhỏ thì phải xin phép và được phép mới có thể khai thác, sử dụng.

Có không ít đơn vị, cơ sở đào tạo có uy tín bất lực khi bị một số cá nhân trắng trợn “ăn cắp” một phần tài liệu, nội dung, chương trình đào tạo mà họ dày công thiết kế, sáng tạo nhằm tạo ra sản phẩm riêng biệt. Thế nhưng, do không có thời gian để thu thập chứng cứ và ngại kiện tụng nên đành làm ngơ, nuốt cục tức vào trong.

Theo nhận định của ông Nguyễn Quý, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam (Cục Bản quyền tác giả), năm 2013, cục đã nhận được nhiều phản ánh, đơn thư khiếu nại về vi phạm quyền tác giả/sở hữu trí tuệ. Tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đang có tín hiệu gia tăng và hiện nay tòa án cũng đang thụ lý nhiều vụ việc tranh chấp có tình tiết phức tạp.

Cũng theo ông Quý, các quy định của pháp luật liên quan đến quyền tác giả, sở hữu trí tuệ đã đi vào cuộc sống hơn 20 năm qua. Vì thế các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải biết chứ không thể nói là “không biết” để phạm luật.

Chúng ta đang bước vào sân chơi toàn cầu hóa và phải tuân thủ luật chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Đó là trách nhiệm, đạo lý kinh doanh bền vững và những hành vi xâm phạm lợi ích, quyền tác giả, đánh cắp công sức, trí tuệ của người khác để thủ lợi phải bị lên án, xử lý nghiêm.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục