Dù có hơn 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu và mỗi doanh nghiệp lại có hàng trăm đại lý phân phối nhưng hiếm khi người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh giá bán xăng dầu. Sự “đồng thuận” của giá bán mặt hàng chiến lược giữa các doanh nghiệp được nhìn nhận bắt nguồn từ quản lý, điều hành hiện nay và cái bóng quá lớn của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Các quy định hiện hành vẫn chưa đảm bảo cho một sự cạnh tranh mà cơ quan quản lý đang hướng đến. Chẳng hạn, trong quy định về giá cơ sở, ngoài các khoản cứng như thuế, phí… Nghị định 84 và các văn bản hướng dẫn cũng quy định cứng cả khoản chi phí kinh doanh định mức (600 đồng/lít).
Mỗi doanh nghiệp có quy mô hoạt động khác nhau thì sẽ có các chi phí khác nhau. Việc đánh đồng tất cả các doanh nghiệp với nhau cũng sẽ tạo ra sự bất hợp lý. Trong khi đó, chính sách liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phải hướng đến khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu giá rẻ, tiết giảm chi phí để đưa giá bán tốt nhất đến người tiêu dùng thì Liên bộ Tài chính, Công thương hiện vẫn chưa làm được.
Câu chuyện về việc tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhiều quan điểm cho rằng khó có thể làm được vì là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến an ninh năng lượng. Song cái khó của xăng dầu mà nhiều người kêu cũng tương tự như lĩnh vực viễn thông cách đây 7 năm là một ví dụ. Giá cước sau khi có sự tham gia của Viettel đã giảm mạnh so với thị trường vốn chỉ có Vinaphone và MobiFone trước đó. Một câu hỏi đáng đặt ra về mặt cơ chế, chính sách là sao thị trường di động chỉ có 7 nhà cung cấp mạng mà đã có sự cạnh tranh quyết liệt, trong khi thị trường xăng dầu có 11 doanh nghiệp cùng 14.000 đại lý, điểm bán lẻ lại không có sự cạnh tranh về giá?
Điểm thứ hai khiến cho thị trường xăng dầu khó có sự cạnh tranh sòng phẳng đó là cái bóng quá lớn của Petrolimex với thị phần khoảng 60%. Các doanh nghiệp khác muốn cạnh tranh thì cũng không thể cạnh tranh nổi vì Petrolimex nắm quá nhiều nguồn lực, ưu thế từ cả hữu hình (cửa hàng, kho chứa, địa điểm…) đến vô hình (doanh nghiệp nhà nước lớn, có thương hiệu). Thực tế, một số doanh nghiệp có thể bán với mức giá thấp hơn Petrolimex không có nghĩa họ sẽ chịu lỗ, thậm chí họ vẫn có lãi. Nhưng như đã đề cập vì không cạnh tranh nổi nên các doanh nghiệp khác sẵn sàng “đồng thuận” về giá bán bởi với cơ chế, cách điều hành hiện nay thì họ cũng vẫn được lợi và chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt về sự “đồng thuận” này (chỉ có lần hiếm hoi cách đây hơn 1 năm, sau khi Nghị định 84 có hiệu lực giá xăng dầu giữa các doanh nghiệp có sự chênh lệch).
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước không thể vận hành theo cơ chế thị trường chừng nào họ chưa công khai minh bạch hoạt động của mình và luôn mang nặng tư tưởng rằng không cần dấn thân, có sáng kiến đổi mới vẫn được hưởng thành quả xứng đáng, còn nếu sai sót cũng không phải chịu xử lý. Để làm được điều đó, cần đặt các doanh nghiệp nhà nước vào áp lực cạnh tranh và bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp khác và không nên sử dụng doanh nghiệp như một công cụ điều tiết vĩ mô, điều tiết thị trường hay thực hiện chính sách xã hội.
NGỌC QUANG