Cấp bách chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19

Để đại dịch Covid-19 nhanh chóng kết thúc, mọi người trên thế giới cần được tiếp cận với vaccine an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine hiện tại không đủ và với tốc độ phân bổ như hiện nay, một số quốc gia sẽ không thể tiếp cận với vaccine cho đến năm 2024.
Ấn Độ chuẩn bị sản xuất vaccine Sputnik V của Nga
Ấn Độ chuẩn bị sản xuất vaccine Sputnik V của Nga

Hiện Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX) chỉ có thể cung cấp 87 triệu liều vaccine cho 131 quốc gia, còn kém xa mục tiêu ban đầu là cung cấp 2 tỷ liều (trong số 11 tỷ cần tiêm chủng trên thế giới) trước cuối năm 2021. Do đó, năng lực sản xuất vaccine cần được đẩy lên mức tối đa. Điều này đòi hỏi các công ty dược phẩm có vaccine đã được phê duyệt trên thị trường phải chia sẻ bằng sáng chế, bí quyết và chuyển giao công nghệ rộng rãi.

Châu Phi hiện là nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 thấp nhất thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, chỉ 1,5% dân số châu lục được tiêm chủng đầy đủ. Trong diễn biến mới nhất, Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) và WHO phối hợp với các Công ty Afrigen Biologics (PTY) Limited, Viện Sinh học và Vaccine Nam Phi (Biovac), Hội đồng Nghiên cứu y tế Nam Phi (SAMRC) cùng Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh và phòng ngừa (CDC châu Phi) đã ký một ý định thư để gia tăng năng lực sản xuất vaccine Covid-19 tại châu lục này. 

Ý định thư tập hợp các đối tác để thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA đặt tại Nam Phi, cho phép nâng cao năng lực sản xuất vaccine, đồng thời tăng cường an ninh y tế cho khu vực châu Phi. Theo ý định thư nói trên, Pfizer và BioNTech sẽ bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19 ở Nam Phi vào năm 2022. Khi đi vào hoạt động đầy đủ, lượng vaccine hàng năm sẽ đạt trên 100 triệu liều và được phân phối độc quyền trong các quốc gia châu Phi.

Với số lượng 850 triệu liều mỗi năm, dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga tại Ấn Độ có lẽ là một trong những dự án nhượng quyền sản xuất vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới. Phòng thí nghiệm Morepen của Ấn Độ và Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF - quỹ tài sản có chủ quyền của Nga đang tiếp thị Sputnik V trên toàn cầu) đã ký thỏa thuận hợp tác vào tháng 6-2021 và thông báo về việc sản xuất lô vaccine thử nghiệm tại một cơ sở độc quyền ở bang Himachal Pradesh. Lô đầu tiên sẽ được chuyển đến Trung tâm Gamaleya ở Nga để kiểm tra chất lượng và từ tháng 9 sẽ bắt đầu sản xuất chính thức. Dữ liệu từ một số cơ quan quản lý ở Argentina, Serbia, Bahrain, Hungary và Mexico chứng minh rằng, Sputnik V là một trong những loại vaccine an toàn và hiệu quả nhất trong phòng dịch Covid-19. 

Với vaccine AstraZeneca (Anh/Thụy Điển), Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cũng chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn vaccine AstraZeneca cho toàn cầu. Ngoài Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan cũng là các nước được nhượng quyền sản xuất vaccine AstraZeneca. Hồi tháng 4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Hàn Quốc đã bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19 của Hãng Dược Novavax (Mỹ), đảm bảo cung cấp 20 triệu liều vaccine cho Hàn Quốc trong quý III năm nay. Novavax cho biết, vaccine Covid-19 của hãng có hiệu quả 96% trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 chủng gốc trong cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối được tiến hành tại Anh. 

Tại Việt Nam, theo Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine Covid-19 đã được ký kế với các đối tác ở Nga, Mỹ, Nhật Bản. Dự án hợp tác chuyển giao công nghệ giữa tập đoàn AIC, Công ty Shionogi (Nhật Bản) và vaccine theo công nghệ mNRA dự kiến tháng 6-2022 sẽ hoàn tất các hoạt động, đưa vaccine ra thị trường. Dự án chuyển giao công nghệ giữa Công ty DS-Bio, Vabiotech và RDIF với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8-2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm. Đối với các dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ với Mỹ, hiện Bộ Y tế đã cử một nhóm chuyên gia phối hợp cùng WHO hỗ trợ đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2-3. Việc chuyển giao công nghệ và hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6-2022.

Tin cùng chuyên mục