Câu chuyện về người tư vấn bảo hiểm: Bí quyết thành công là truyền lửa cho nhân viên

Anh Bùi Hữu Chăm đã có 13 năm gắn bó với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential (Prudential). Hiện Anh là Giám đốc 4 văn phòng Tổng đại lý (VP TĐL) Prudential gồm: Văn phòng Chí Linh, Văn phòng Hưng Yên, Văn phòng Thanh Miện và Văn phòng Khoái Châu tại Hải Dương. Một trong những bí quyết để có được thành công trong kinh doanh của anh Chăm đó là biết truyền lửa cho nhân viên.

Truyền lửa cho nhân viên

“Năm 2004 khi vừa bước chân vào nghề tư vấn bảo hiểm, gặp 10 khách hàng thì có tới 9 người nói bảo hiểm là lừa đảo. Thậm chí có người nặng lời khuyên nên chọn nghề khác chứ không nên tiếp tục làm công việc “lừa đảo” này. Lúc đó thực tình tôi rất nản”, anh Chăm nhớ lại.

Những kinh nghiệm thực tế đó giúp anh hiểu rằng nhân viên của mình luôn cần được động viên và truyền lửa để có thể theo đuổi được công việc, nhất là trong giai đoạn mới vào nghề.

“Trong nghề này, điều quan trọng của một người quản lý là phải làm sao để nhân viên hiểu được giá trị, ý nghĩa của công việc mình làm, để họ cảm thấy tự hào và yên tâm theo đuổi công việc. Chỉ khi được truyền ngọn lửa nhiệt huyết thì mỗi người mới có thể tự phát triển và sống tích cực với công việc của mình”, anh Chăm chia sẻ.

Chính vì vậy trong số những hoạt động thường xuyên của các VP TĐL do mình quản lý, anh Chăm luôn chú trọng tổ chức những buổi huấn luyện thực tế về kĩ năng, lồng ghép những tình huống cụ thể để mọi người nắm bắt.

Câu chuyện về người tư vấn bảo hiểm: Bí quyết thành công là truyền lửa cho nhân viên ảnh 1 Anh Bùi Hữu Chăm
“Cách truyền động lực lớn nhất là đưa ra những câu chuyện thực tế, số liệu lấy từ báo cáo hàng tháng của các văn phòng hay nêu ra những trường hợp khách hàng được nhận quyền lợi bảo hiểm. Đó chính là bằng chứng sinh động về ý nghĩa của bảo hiểm”, anh Chăm cho biết.

Ngoài ra, để khuyến khích nhân viên VP TĐL làm việc tốt hơn, anh thường có chính sách thưởng theo thâm niên, theo chỉ tiêu kinh doanh hàng tháng, thưởng cho nhân viên không sai phạm trong tháng… Phần thưởng tuy không lớn nhưng là cách rất hiệu quả để động viên tinh thần phấn đấu của mọi người.

Bên cạnh đó, anh còn tổ chức giao lưu hay các buổi huấn luyện dã ngoại giữa các văn phòng để mọi người cùng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong nghề. Chính những hoạt động mang tính gắn kết tập thể đó là “cái neo” giữ nhân viên lại với nghề.

Bởi theo anh Chăm, một công việc lương cao chưa chắc đã làm người ta gắn bó. Quan trọng là phải tạo được môi trường làm việc tích cực, năng động và giàu tình cảm. Công việc đó phải mang lại cho mọi người cảm giác hài hòa, được quan tâm và được tôn trọng.

Chỉ có như vậy nhân viên mới ở lại và gắn bó lâu dài. Điều này càng đặc biệt đúng đối với công việc kinh doanh bảo hiểm nhân thọ thường phải chịu nhiều áp lực từ khách hàng

Ước mơ được giúp đỡ cộng đồng

Không chỉ tâm huyết trong vai trò quản lý, anh Chăm còn nhiệt tình với công việc thiện nguyện. “Công việc này cho tôi cơ hội để thực hiện ước mơ làm thiện nguyện của mình. Trước đây, một phần vì thu nhập chỉ vừa đủ chi tiêu, một phần những người tôi quen biết đều làm nông, cuộc sống không khấm khá, nên muốn kêu gọi quyên góp cũng khó”, anh Chăm bộc bạch.

Nhiều năm nay anh thường xuyên kết hợp với Hội Chữ thập đỏ và Hội Khuyến học địa phương để đem đến những phần quà cho người nghèo, trao tặng học bổng giúp trẻ nhỏ hiếu học có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Những mảnh đời bất hạnh anh gặp được trong hành trình thiện nguyện càng khiến anh muốn cho đi nhiều hơn.

Câu chuyện về người tư vấn bảo hiểm: Bí quyết thành công là truyền lửa cho nhân viên ảnh 2
Anh Chăm nhớ lại chương trình tặng chăn ấm cho các cụ già neo đơn tại huyện Thanh Miện mà anh kết hợp với Hội Chữ thập đỏ thực hiện cuối năm vừa qua: “Có cụ nói đã nhiều năm nay phải chịu rét, tuổi càng ngày càng cao, nếu không có chiếc chăn ấm này thì năm nay cũng chưa biết có qua nổi cơn rét này không. Các cụ móm mém cười bảo chưa đắp chăn mà đã thấy ấm lòng rồi. Nghe như vậy tôi thực sự rất xúc động và cảm nhận được ý nghĩa của việc mình làm”.

Đã 6 năm nay, anh Chăm nhận đỡ đầu hàng tháng cho em Bùi Thị Ngạt tại xã Thanh Giang (Hải Dương) được đến trường như các bạn cùng trang lứa.

“Cha em mất sớm, mẹ bệnh nằm liệt giường. Lúc gặp tôi, em ấy chỉ mới học lớp 3. Nhà có 3 chị em đều còn rất nhỏ” và anh cho biết sẽ tiếp tục dành sự hỗ trợ này cho đến khi em Ngạt tốt nghiệp cấp 3.

Không chỉ dừng lại tại đó, anh còn vận động đội ngũ nhân viên, đồng nghiệp tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Trong đợt bão và lũ quét nặng nề năm 2017, anh đã cùng mọi người quyên góp được hơn 100 triệu đồng và đến trao tận tay những trẻ em nghèo tại Sơn La. Với anh, phần thưởng lớn nhất anh nhận được là niềm vui khi được giúp đỡ người khác.

Tin cùng chuyên mục