Hơn 100 máy ATM bị phát hiện có rò rỉ điện tại TPHCM là con số gây ngỡ ngàng với dư luận. Nhưng với những người đã từng bị điện giật khi rút tiền tại những máy ATM này, chuyện lại không mới. Giữa cái mới của thông tin cho dư luận rộng rãi với cái cũ của sự nguy hiểm thường trực đã là một khoảng cách không nhỏ về thời gian. Mà lý ra, khoảng cách này không được phép tồn tại.
ATM rò rỉ điện chỉ là một vấn đề. Riêng về điện đã có không ít tai nạn xảy ra làm thiệt mạng người dân do người có trách nhiệm tắc trách. Cao ốc thi công ẩu gây lún sụt gây ra thiệt hại tài sản. Cây mục, đổ khiến người đi đường bị thương, làm hư hỏng xe cộ giữa giờ cao điểm. Nạn “lô cốt” triền miên, gây ách tắc giao thông, cản trở sinh hoạt bình thường. Rồi thực phẩm nhiễm độc, nguy hiểm cho sức khỏe. Đến cả những ổ muỗi trên kênh rạch cũng phải mất nhiều thời gian “đá qua đá lại” trách nhiệm giải quyết… Lại nữa, ở hai điểm nhạy cảm nhất của cuộc sống xã hội, là trường học và bệnh viện, lại càng nhiều bức xúc mà không cần nêu thêm ví dụ.
Có rất nhiều dẫn chứng về an sinh xã hội không được đảm bảo. Nguồn gốc chung của những chuyện bất thường ấy, là trách nhiệm không chu toàn của các ngành chức năng. Hẳn nhiên, để giải thích cho việc xảy ra sự cố, tai nạn sẽ có rất nhiều lý do được viện dẫn: kinh phí, nhân sự, thời gian, sự phối hợp cần thiết giữa các ngành… Nhưng rất thường xuyên, những giải thích ấy bị dư luận đặt cho mẫu số chung: bao biện để lẩn tránh bổn phận bắt buộc của cơ quan tham gia quản lý xã hội.
Một điều rất đáng lưu tâm, là khi dư luận rúng động vì một sự cố lớn, trách nhiệm của ngành chức năng liên quan đột ngột trở nên sâu sát. Còn nếu dư luận, báo chí không lên tiếng đánh động, mổ xẻ, lãnh đạo không truy vấn thì có hơn một thứ đã lẳng lặng chìm xuồng. Sự sốt sắng, thể hiện trách nhiệm là có điều kiện? Và điều kiện ấy chủ yếu lại không xuất phát từ thái độ quan tâm thực sự đến cuộc sống bình thường của hàng triệu người dân?
Chăm lo cho an sinh, đó là một cam kết mang tính “tự động” của cơ quan quản lý nhà nước đối với xã hội. Mức độ an sinh là biểu hiện của chất lượng cuộc sống. An sinh xã hội luôn có tầm quan trọng hàng đầu. Thực tế cho thấy, việc chỉ lấy các chỉ số tăng trưởng làm thước đo để đánh giá sự phát triển là sai lệch. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều người mất việc làm, giá cả leo thang, an sinh xã hội càng trở nên nhạy cảm. Nó tác động đến lòng tin của người dân, trong tác động cụ thể đến lợi ích thiết thân của họ. Và do vậy, chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cũng chính là để giữ vững và “kích cầu” lòng tin.
Vũ Thượng