Chăm lo tết vui, đầm ấm cho người có công, gia đình chính sách, người lao động

Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung để tìm hiểu về các hoạt động triển khai, chuẩn bị đón mừng năm mới trong dịp Tết Tân Sửu 2021, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung

Mỗi khi tết đến xuân về, Đảng và Nhà nước đều thực hiện truyền thống thăm hỏi, tặng quà cho người có công, các đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí; tổ chức các phong trào, hoạt động thiết thực để chăm lo tết cho công nhân, người lao động; triển khai hỗ trợ các gia đình nghèo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt với tinh thần “không để gia đình nào không có tết”.

Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung để tìm hiểu về các hoạt động triển khai, chuẩn bị đón mừng năm mới trong dịp Tết Tân Sửu 2021, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

- Phóng viên: Thưa bộ trưởng, năm nay Nhà nước có những chính sách gì để chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người lao động cùng nhân dân cả nước đón tết đầm ấm mà an toàn, tiết kiệm trong điều kiện dịch bệnh có nguy cơ lây lan ở các địa phương? 

Bộ trưởng ĐÀO NGỌC DUNG: Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đón Tết Tân Sửu 2021 và tăng cường phòng chống dịch Covid-19, Bộ LĐTB-XH đã có Chỉ thị số 01 yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, nắm tình hình đời sống của các gia đình người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đồng bào ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... để xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, tránh trùng lắp; đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước tết.

Về vấn đề lao động việc làm, an toàn vệ sinh lao động, Bộ LĐTB-XH yêu cầu Cục An toàn lao động, Cục Việc làm, Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp, hướng dẫn sở LĐTB-XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Tân Sửu. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là những địa phương tập trung nhiều lao động; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

- Cụ thể, mức hỗ trợ cho người có công, các đối tượng chính sách, người nghèo năm nay như thế nào?

Đến nay, các địa phương đều xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo tết cho các đối tượng chính sách, người lao động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, dành kinh phí khá lớn để thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công, người cao tuổi, người nghèo, bảo trợ xã hội, người lao động... Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, tổng kinh phí chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Tân Sửu là gần 2.650 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương có mức chi lớn như: TPHCM 813 tỷ đồng, Hà Nội 371,3 tỷ đồng (chưa tính phần kinh phí xã hội hóa), Nghệ An 146,5 tỷ đồng, Thanh Hóa 138,8 tỷ đồng, An Giang 122,4 tỷ đồng, Thái Bình gần 110 tỷ đồng…

Về lĩnh vực người có công, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTN ngày 11-1-2021 về việc tặng quà cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Tân Sửu, với hai mức là 600.000 đồng và 300.000 đồng theo từng đối tượng, với tổng số hơn 1,681 triệu đối tượng. Cùng với phần quà của Chủ tịch nước, các địa phương đã chủ động trích ngân sách của tỉnh, thành phố và nguồn vận động để tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công nhân dịp Tết Tân Sửu. Các địa phương dành nguồn kinh phí lớn cho đối tượng người có công như: TPHCM 383 tỷ đồng, Hà Nội 106 tỷ đồng, Quảng Nam 90 tỷ đồng, Thái Bình 86 tỷ đồng, Thanh Hóa gần 60 tỷ đồng... Mức quà bình quân dao động từ 500.000 - 1.000.000 đồng/suất.

Các tỉnh, thành phố cũng đã có kế hoạch chăm lo tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội, các gia đình nghèo, người cao tuổi… Những địa phương quan tâm, hỗ trợ với kinh phí lớn như: TPHCM 197 tỷ đồng, Hà Nội 87,8 tỷ đồng, Thanh Hóa 107 tỷ đồng, An Giang 64 tỷ đồng, Lào Cai 45,5 tỷ đồng... Mức hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh phổ biến là 300.000 - 500.000 đồng/đối tượng; một số địa phương có mức hỗ trợ cao như: Bà Rịa  - Vũng Tàu với 4 triệu đồng/đối tượng người cao tuổi, TPHCM hỗ trợ người thuộc hộ nghèo 1.250.000 đồng/đối tượng.

- Năm nay dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tình hình lương, thưởng tết, thu nhập của người lao động ra sao, liệu có đảm bảo như năm trước không, thưa Bộ trưởng?

Theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiền lương bình quân năm 2020 ở khu vực doanh nghiệp ước đạt 7,54 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 3% so với năm 2019. Về thưởng Tết Dương lịch 2021, khoảng 45% trong tổng số 62.640 doanh nghiệp có báo cáo cho thấy mức thưởng bình quân năm nay là 2,34 triệu đồng/người, tăng 151% so với thưởng Tết Dương lịch 2020. Và khoảng 55% trong tổng số 62.640 doanh nghiệp báo cáo kế hoạch thưởng Tết Tân Sửu cho thấy mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương trung bình (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Canh Tý.

Như vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình lao động, việc làm và tiền lương, tiền thưởng của người lao động năm 2020 giảm so với năm 2019. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đảm bảo được việc làm vẫn duy trì tiền thưởng tết theo mức trung bình cho người lao động. Tại các doanh nghiệp có báo cáo, ngoài tiền thưởng tết cho người lao động, còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác như tặng quà tết, phiếu mua hàng, lì xì, hỗ trợ tiền tàu xe... Một số doanh nghiệp khó khăn thực sự do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 vẫn cố gắng đảm bảo tiền lương và có một khoản thưởng nhất định để động viên người lao động. 

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tin cùng chuyên mục