Thành lập các phòng công chứng tư

Chậm, vì sao?

Chậm, vì sao?

Sau hơn 1 năm kể từ ngày Luật Công chứng (LCC) có hiệu lực, đến nay cả nước mới có duy nhất Văn phòng công chứng (gọi tắt là PCC tư) được thành lập tại TP Cần Thơ. Riêng TPHCM - trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nhất nước vẫn chưa có PCC tư nào…

Chờ hướng dẫn (?!)

Đông đảo người dân cả nước kỳ vọng vào nét mới của LCC cho phép các công chứng viên (CCV) được thành lập các PCC tư để hạn chế tình trạng “quá tải” tại các PCC nhà nước. Về nguyên tắc, luật có hiệu lực thì phải thi hành, song trên thực tế, đâu đâu cũng… ngồi chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên!

Ông Phan Văn Cheo, Trưởng PCC số 1, TPHCM cho biết: “Tôi có nghe nói có một số người rục rịch muốn thành lập PCC tư, nhưng đang chờ hướng dẫn cách làm thủ tục…”. Một số CCV đang định xin phép thành lập PCC tư thắc mắc: “Chúng tôi đã đến hỏi thủ tục nộp hồ sơ xin phép thành lập PCC tư, nhưng đều nghe nhân viên trả lời là “đang chờ cấp trên hướng dẫn!”. Đến khi có hướng dẫn rồi, thì họ lại bảo: “đang chờ xây dựng đề án!”; xây dựng xong đề án thì bảo chờ… “UBND TP phê duyệt”. Không biết còn phải… chờ đến bao giờ?”.

Chậm, vì sao? ảnh 1

Nếu có Phòng Công chứng tư thì người dân sẽ bớt chờ đợi vất vả. Ảnh: M.N

Theo Nghị định số 02/2008/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện LCC của Chính phủ, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phải xây dựng đề án phát triển công chứng trình lên UBND cấp tỉnh, TP phê duyệt để cấp phép và đăng ký hoạt động cho PCC tư. Theo đó, trong đề án phải nêu rõ việc tổ chức mạng lưới PCC tư, địa điểm trụ sở, mật độ các PCC cách nhau ra sao; nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động; nghĩa vụ thuế nhà nước; bảo hiểm nghề nghiệp và lệ phí như thế nào…

Bà Xuân Hương, người phát ngôn của Sở Tư pháp TPHCM cho biết: “Sở Tư pháp TPHCM đã xây dựng xong dự thảo đề án phát triển công chứng trên địa bàn TPHCM từ hơn một tháng nay và đã trình UBND TPHCM phê duyệt, hiện đang chờ TP thông qua.

Nếu tính thời gian kể từ khi có nghị định hướng dẫn đến khi xây dựng xong đề án trình TP thì tiến độ không phải là chậm, vì sở còn phải lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành liên quan để khi thực hiện các PCC tư sẽ đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của tất cả mọi người, nhất là các vấn đề phức tạp liên quan tới tài sản nhà nước, tài sản công dân…”.

Theo một số cán bộ đang làm việc tại các PCC trên địa bàn TPHCM: sở dĩ việc thành lập các PCC tư còn ì ạch là do còn có các luồng ý kiến khác nhau. Một số ý kiến “thoáng” thì mong các PCC tư sớm được thành lập để hoạt động bình đẳng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. Nhưng cũng có một số ý kiến khác thì cho rằng, TPHCM đã có tới 7 PCC đã đủ đáp ứng nhu cầu, không nhất thiết phải thành lập thêm các PCC tư, vì nếu có thêm PCC tư thì các PCC nhà nước có khi phải “ngồi chơi xơi nước”…

Yêu cầu cấp bách của cuộc sống…

Hiện nay, mỗi ngày tại các PCC trên địa bàn TPHCM, lực lượng CCV dù “mỏng” nhưng vẫn phải gồng mình giải quyết khối lượng hồ sơ các hợp đồng giao dịch từ thế chấp, mua bán, thừa kế… cho hàng trăm lượt người dân và doanh nghiệp. Nếu có các PCC tư ra đời sẽ giảm tải đáng kể cho cả người dân lẫn các PCC. Nhất là trong thời buổi nền kinh tế thị trường, các quan hệ giao dịch dân sự luôn phát sinh, đòi hỏi phải có sự quản lý các giao dịch dân sự bằng pháp luật để góp phần phát triển nền kinh tế lành mạnh, bền vững.

Do đó, nhu cầu thành lập các PCC tư là quy luật tất yếu. Hiện nay cả nước chỉ có 140 PCC với khoảng 400 CCV, trong khi thực tế phải cần tới cả ngàn PCC lẫn CCV thì mới đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng các giao dịch dân sự của người dân. Trước đây, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo 4 TP lớn là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng ít nhất mỗi quận, huyện nên có một PCC, vậy mà cho đến nay, 24 quận huyện của TPHCM mới chỉ có 7 PCC, khiến người dân vẫn phải chen chúc chờ đợi rất vất vả. So sánh với nước Pháp chỉ có 60 triệu dân mà có tới 4.500 PCC với 8.000 CCV, thì ở Việt Nam, sắp tới phải cần tới hàng ngàn CCV và hàng ngàn PCC thì mới đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ ngày càng tăng của đất nước.

Thật vậy, PCC tư ra đời sẽ giúp nhà nước tăng cường chức năng quản lý, giám sát. Theo ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng Công chứng số 2, TPHCM: “Việc nhà nước cho phép thành lập các PCC tư là tín hiệu vui, vì nó đã thể hiện rõ tinh thần xã hội hóa của LCC…”.

Tuy nhiên, để thành lập mạng lưới PCC tư đòi hỏi phải có lực lượng CCV có đủ tài, đức. Vừa qua, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 36 CCV, trong đó TPHCM có 20 CCV, Hà Nội có 16 CCV, đa số các CCV có nhu cầu thành lập PCC tư.

Thời gian tới, khi UBND TP thông qua đề án phát triển công chứng trên địa bàn, đòi hỏi ngành tư pháp tăng cường đào tạo, bổ nhiệm lực lượng CCV; sắp xếp bố trí địa điểm từng PCC cho phù hợp để tránh nơi thừa, nơi thiếu. Đặc biệt, khi có thêm mạng lưới PCC tư, rất cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Sở Tư pháp với các PCC nhà nước và các PCC tư để quản lý các dữ liệu trên mạng an toàn, thực hiện công chứng đạt hiệu quả cao nhất. 

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục