
Sau khi bài viết Bị trù dập vì không học thêm đăng trên Báo SGGP số ra ngày 18-2, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi, góp ý về tình trạng dạy thêm, học thêm đang biến tướng ở TPHCM. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến, trong đó có phản hồi của đại diện Trường THCS Colette và Sở GD-ĐT TPHCM.

Giữ gìn hình ảnh tôn nghiêm của thầy cô trong mắt học trò (Trong ảnh là buổi lễ chia tay giữa giáo viên hướng dẫn và đội tuyển học sinh giỏi của TPHCM tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2015)
* Ông LÊ KIM GIANG, Hiệu trưởng Trường THCS Colette quận 3: Nhà trường sẽ sớm xác minh làm rõ
Chúng tôi chưa nắm được vụ việc này, tuy nhiên thông qua thông tin mà Báo SGGP phản ánh, chúng tôi sẽ tiến hành xác minh và làm việc trực tiếp với giáo viên có biểu hiện sai phạm bị nêu tên. Phòng GD-ĐT quận 3 cũng đã chỉ đạo nhà trường phải kiểm tra, xác minh vụ việc này và báo cáo kết quả. Không thể phủ nhận dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có thực và có cung thì ắt có cầu, trong đó nhiều giáo viên của trường tham gia dạy thêm. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu Trường THCS Colette luôn nhắc nhở các giáo viên tham gia dạy thêm nhưng phải đúng nhu cầu, không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của trường cũng như ngành giáo dục.
Đa phần giáo viên trong trường tuân thủ quy định, thủ tục về dạy thêm, làm đúng lương tâm, trách nhiệm của người thầy. Có điều, đội ngũ giáo viên của trường cũng đông nên có thể trong quá trình giảng dạy đã có giáo viên gây sự phản cảm, có biểu hiện trù dập học sinh không theo học thêm tại lớp do họ tổ chức. Nhưng giá như trước khi phản ánh với báo chí, phụ huynh, học sinh phản ánh trực tiếp với nhà trường thì hay hơn… Cảm ơn Báo SGGP đã nêu sự việc xung quanh bức xúc của phụ huynh, học sinh đối với việc dạy thêm, học thêm và nhà trường sẽ rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động này.
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Hãy phản ánh trực tiếp với ngành GD-ĐT
Tôi đã đọc nội dung mà Báo SGGP phản ánh và cảm thấy bức xúc trước thực tế ở TPHCM vẫn còn xảy ra các vụ việc phản cảm - học sinh không học thêm nên bị thầy, cô trù dập, bị nhận điểm thấp. Và để đổi lấy sự “bình yên”, phụ huynh phải chấp nhận cho con học thêm… Qua sự việc này, một lần nữa, Sở GD-ĐT TP yêu cầu các hiệu trưởng phải nắm lại thực chất hoạt động dạy thêm, học thêm và phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra những vụ việc gây bức xúc, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GD-ĐT cũng như hình ảnh của nhà giáo chân chính.
Theo quy định tại Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, ban giám hiệu các trường phải nắm rõ giáo viên nào dạy thêm và và phê duyệt cho phép dạy thêm đối với học sinh do họ trực tiếp giảng dạy. Như thế, khi phát hiện ra những trường hợp học sinh, phụ huynh phản ánh, tố giác giáo viên có hành vi lôi kéo, trù dập, đánh giá kết quả học tập thiếu công tâm, công bằng thì các trường phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh. Chúng ta không thể để “con sâu làm rầu nồi canh” và tôi mong thầy cô đừng lấy nguồn thu học phí học thêm của học sinh là mục đích làm giàu. Theo tôi, đã dấn thân vào nghề sư phạm thì phải giữ hình ảnh cao quý, nhân cách làm thầy, có kỹ năng sư phạm - hành xử, đánh giá học sinh công tâm, công bằng…
Để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm theo quy định chung và chấn chỉnh tình trạng biến tướng trong hoạt động này như Báo SGGP đã phản ánh, phụ huynh, học sinh có thể phản ánh trực tiếp với Phòng Giáo dục trung học của Sở GD-ĐT TP (theo số điện thoại 08.38299681 - 08.38290928) hoặc các phòng GD-ĐT của quận, huyện về địa điểm dạy thêm, tên giáo viên... Ngành GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp nhận thông tin và xử lý nghiêm những sai phạm trong dạy thêm, học thêm.
* Bạn đọc LÊ XUÂN THUYÊN: Không nên để thầy cô trực tiếp đứng lớp dạy thêm học sinh của mình
Nhu cầu học thêm là một thực tế cần phải chấp nhận. Nhưng để không bị biến tướng bởi hành vi của một số giáo viên thì nên chăng tổ chức điều phối công khai nhưng cần chốt điều kiện cam kết của thầy cô và quan trọng là không để thầy cô vừa dạy trực tiếp trên lớp và lại trực tiếp đứng lớp dạy thêm cho chính học sinh của mình. Có thể là giáo viên trường khác là tốt nhất, hoặc chí ít là giáo viên khác lớp/khối. Nếu ai vi phạm cam kết sẽ bị kỷ luật nặng. Điều này sẽ không tạo quan hệ trực tiếp về vật chất trong quan hệ dạy và học thì may ra sẽ giải được những tiêu cực từ giáo viên và giảm áp lực cho học sinh. Những điểm/hành vi xấu, những oan ức/áp lực không được sớm giải quyết sẽ là những mảnh đất cho bạo lực, vô cảm nảy nở trong giới trẻ, hậu quả đối với xã hội trong 5 - 10 năm tới hoặc dài hơn.
* Một phụ huynh (l.nguyenvan…@gmail.com): Nếu thầy cô dạy hết lòng trên lớp thì học trò không cần học thêm
Tôi thấy bài báo đã phản ánh đúng tâm trạng, nỗi niềm khó nói của nhiều phụ huynh, học sinh. Con tôi đang học ở một trường THCS ở quận trung tâm TPHCM và cũng là “nạn nhân” bị giáo viên dạy môn Toán trù dập vì không theo lớp dạy thêm của của thầy mở tại nhà. Thầy giáo dạy lớp con tôi “ép” học trò đến học thêm và thu tiền mỗi em 500.000 đồng/tháng với 3 buổi học. Với khoảng 60 học sinh theo học hai ca trong ngày, mỗi tháng thầy giáo cũng có thu nhập ít nhất 50 triệu đồng. Có lẽ nguồn thu quá lớn và hấp dẫn này đã khiến thầy không giữ được tư cách, nhân cách làm thầy. Ở lớp dạy thêm thì thầy dạy hết mình, nhiệt tình giảng giải, chỉ bảo học sinh tận tình. Còn ở giờ học chính khóa thì thầy dạy qua quít, trò nào hiểu thì hiểu, không hiểu thì phải tìm đến lớp học thêm. Khi bắt buộc phải học thêm ở nhà thầy cho yên thân, con tôi nói rằng nếu ở lớp mà thầy dạy hết lòng, tận tâm như khi dạy thêm thì các cháu không cần học thêm… Thật buồn khi nhìn thấy hình ảnh của một số thầy cô “biến dạng” chỉ vì chạy theo đồng tiền, tìm cách lôi kéo học trò đến lớp dạy thêm… Đề nghị ngành GD-ĐT TPHCM tăng cường kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng này.
KHÁNH BÌNH