
Cuộc thi sáng tác ký văn học “Chân dung người đương thời” do Báo SGGP phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với mong muốn giới thiệu cho độc giả những con người thật, những câu chuyện thật, những tấm gương điển hình của xã hội. Đến thời điểm này, cuộc thi đã đi qua hơn nửa chặng đường, thu hút được sự quan tâm của nhiều cây bút có uy tín. Tại lễ sơ kết cuộc thi tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà văn, nhà báo về cuộc thi đã được ghi nhận.
Nhiều tín hiệu vui
“Khoảng hơn 120 bài ký đã được gửi tới cuộc thi, mỗi bài là mỗi câu chuyện mang tín hiệu vui về cuộc sống” - nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, thành viên Ban giám khảo cuộc thi cho biết.
Qua lăng kính của người viết, nhiều phát hiện, khám phá thú vị về chân dung cuộc sống xung quanh ta đã dần dần được lột tả và tái hiện. Họ giống như bao nhiêu người ta vẫn thường gặp ngoài đường, ngoài ngõ, song họ đã dám sống, phấn đấu, biết sẻ chia, yêu thương và cống hiến hết mình cho cộng đồng vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Quang cảnh buổi sơ kết cuộc thi tại Hà Nội. Ảnh: MINH ĐIỀN
Sau khi những chân dung nhân vật “Người đương thời” được đăng tải, BTC đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc gần xa. Có không ít độc giả xin địa chỉ để được gửi thư, gọi điện chia sẻ với tác giả, với nhân vật “Người đương thời”… Điều đó chứng tỏ sức mạnh của các bài ký, của các nhân vật không chỉ tồn tại trên các trang viết mà đã tạo được hiệu ứng xã hội rõ rệt, nhà văn Trần Văn Tuấn nhận định.
Nhiều tác phẩm được đăng tải không chỉ đơn thuần là một bài báo mà chính chất mềm mại, mượt mà, giàu tính văn học đã chuyển tải tới người đọc cảm nhận chân thực về những con người đáng trân trọng trong xã hội.
Việc tốt nhiều hơn sẽ làm cuộc sống đẹp hơn
Nhận xét về cuộc thi ký văn học “Chân dung người đương thời”, nhà văn Trần Nhương cho rằng, trong cuộc sống, nếu điều tốt nhiều hơn thì cái xấu sẽ giảm đi. Đây là việc rất nên làm lúc này, bởi lẽ nó sẽ giúp mọi người nhìn cuộc sống tươi đẹp hơn.
Để thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ cuộc thi đầy ý nghĩa này, nhà văn Trần Nhương tuyên bố sẽ không chỉ tham gia đóng góp bài dự thi mà còn tình nguyện tuyên truyền để thông tin của cuộc thi đến được với đông đảo bạn bè văn chương.
Chị nhớ lại, lúc đó cuộc sống miền Bắc nghèo khó là vậy, song chị đã được nuôi dưỡng và trưởng thành nhờ sự đùm bọc yêu thương của nhiều tấm lòng thơm thảo của người dân miền Bắc. Chị thổ lộ, tới thời điểm này, chị đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, song chính những bài văn, những “câu chuyện đêm khuya” đầy chất nhân văn trên đài phát thanh đã cổ vũ, động viên, tiếp thêm nghị lực cho chị.
Chị nhận thấy xung quanh mình có nhiều tấm gương đáng kính, đáng trân trọng, những con người âm thầm hy sinh, nên thôi thúc chị tham gia đồng hành với Báo SGGP trong cuộc thi ký văn học chân dung “Người đương thời”.

Bà Dương Thị Bạch Diệp trao tiền ủng hộ cuộc thi cho Tổng biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển. Ảnh: MINH ĐIỀN
Theo nhà báo, nhà văn Khuất Quang Thụy, trong thời điểm nhiều tờ báo đang chọn việc đưa thông tin chống tiêu cực để thu hút độc giả, Báo SGGP lại chọn cho mình một con đường khác hẳn là ca ngợi, biểu dương người tốt, việc tốt có thể coi đó là việc làm dũng cảm. Cuộc thi với những câu chuyện cuộc đời của những con người quanh ta xúc động và đáng trân trọng sẽ tạo ra cái nhìn tích cực hơn, có ý nghĩa hơn về cuộc sống và xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây có rất ít các bài bút ký có giá trị văn học cao trên văn đàn, vì thế để cuộc thi có được chất lượng tốt cần nhiều nỗ lực.
Ngược lại, nhà thơ Hồng Thanh Quang cho rằng, phát động cuộc thi ký vào thời điểm này sẽ tạo ra sức hút riêng của tờ báo. Tuy nhiên, để tạo điểm sáng bằng ký văn học là một việc rất khó làm, do đó song song với cơ chế “đặt hàng” thì cần tổ chức được đội ngũ cộng tác viên tâm huyết với đề tài, thể loại này.
Viết tiếp những “chuyện cổ tích” giữa đời thường
“Mỗi ngày làm một việc tốt cái xấu sẽ ít dần đi” - nhà thơ Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi đồng tình. Ông mong muốn với sự tham gia tích cực hơn nữa của nhiều cây bút có uy tín, ý nghĩa của cuộc thi sẽ được nhân rộng, được lan tỏa mạnh mẽ hơn để có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với xã hội.
“Chúng ta phải làm gì đó để tạo được cú huých trong sáng tác, tạo dấu ấn với mai sau và hơn hết là động viên, khích lệ kịp thời những người tốt, những việc làm tốt” - nhà thơ Trần Thế Tuyển nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ cho các tác giả có nhiều tác phẩm hay, công phu, mang đậm chất văn học, có thể sẽ kéo dài hơn thời gian tổ chức cuộc thi để tiếp nhận và giới thiệu đến với bạn đọc nhiều hơn nữa những tấm gương sáng giữa đời thường.
THU HÀ