Rating (chỉ số người xem) trở thành mục tiêu của những cuộc đua khốc liệt trên sóng truyền hình. Nhà đài, các đơn vị sản xuất phim, chương trình, công ty quảng cáo đều lệ thuộc vào chỉ số này để đầu tư, quyết định sự “sống còn” của bộ phim, chương trình. Thậm chí ở nhiều nước, cát sê của nghệ sĩ còn được trả theo rating khiến thị trường showbiz có thêm những nghệ danh thời thượng như “nữ hoàng”, “hoàng tử” rating… Truyền hình trong nước giờ đây cũng đang “điên đảo” trong vòng xoay của cuộc đua chỉ số người xem.
Hội chứng
Với người làm truyền hình, rating là nỗi ám ảnh thường trực. Rating cao tức có đông người xem, nhiều quảng cáo và nhà đài cũng căn cứ vào chỉ số này để trả tiền, đặt hàng nhà sản xuất. Chỉ số khảo sát người xem không chỉ quyết định sự thành công, thất bại của một chương trình truyền hình mà còn quyết định cả sự sinh tồn của nhà sản xuất bằng việc tìm kiếm nhà tài trợ, thu hút số lượng quảng cáo… nên hiển nhiên được quan tâm hàng đầu. Vì thế, tại thời điểm này cùng với sự bùng bổ của các chương trình truyền hình thực tế thì cuộc cạnh tranh “miếng bánh” rating ngày càng diễn ra khốc liệt. Sự trồi - sụt của chỉ số rating cũng khiến các nhà sản xuất phải thấp thỏm. Những nhà sản xuất này chấp nhận bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê những chuyên gia, người am hiểu lĩnh vực truyền thông phân tích thị trường, thị hiếu khán giả, cốt làm sao chương trình hút khách và giữ được độ nóng.
Cùng với việc chạy đua mua bản quyền của nhiều chương trình “ăn khách” trên thế giới, các nhà sản xuất cũng không ngần ngại bỏ ra những khoản đầu tư lớn để chiêu mộ cho bằng được dàn giám khảo đình đám như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Quốc Trung, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà… Để tạo sự khác biệt, một số ngôi sao quốc tế như siêu mẫu Tyra Banks, hay những giám khảo gốc Việt như Thanh Bùi (The Voice Kids), John Huy Trần (So you think you can dance), Dumbo (Got to dance), Chloe Đào (Project runway) hay Luke Nguyễn và Christine Hà (MasterChef)… cũng được mời để tạo ra luồng gió mới, tăng sức hút cho các show thực tế.
Không dừng lại ở đó, nhiều giải pháp dựa vào scandal đã được áp dụng để tạo hiệu ứng thu hút khán giả và truyền thông. Các chương trình mặc dù mang danh là truyền hình thực tế nhưng mọi diễn biến được dàn dựng theo kịch bản có sẵn. Bí mật hậu trường từ cuộc cãi vã giữa các thí sinh, chuyện dàn xếp kết quả, thậm chí cả các câu chuyện về giới tính… cũng được khai thác triệt để trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để tạo ra “mồi cháy”. Đi đêm lắm cũng có ngày “gặp ma”, không ít những scandal đã vượt qua tầm kiểm soát của chính những người châm ngòi nổ để tạo thành những trái bom dội thẳng lại phía nhà sản xuất như vụ kiện đầy tai tiếng của Vietnam’s Got Talent mùa 2012, hay nghi án dàn xếp kết quả của Giọng hát Việt 2012… Tại thời điểm này, nhiều nhà sản xuất chương trình truyền hình cũng thừa nhận rằng, chạy theo rating là một cuộc chơi đầy gian nan, mệt mỏi.
Phiến diện
Với người làm truyền hình và đặc biệt với người làm phim truyền hình thì rating là một nỗi ám ảnh thường trực. Ở một số nước có kinh nghiệm trong việc làm phim và các chương trình truyền hình dài tập, họ dựa vào chỉ số khán giả để “xoay chuyển đề tài, định vị mục tiêu” cho phù hợp thị hiếu khán giả. Nói về lý thuyết, việc thay đổi theo chỉ số rating sẽ đem lợi cho khán giả bởi các nhà sản xuất phải luôn làm mới mình, phải tìm ra những cái hay để khán giả hứng thú, hồi hộp theo dõi. Song thực tế lại không như mong muốn. Trong khi, ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, Mỹ… thiết bị đo rating được gắn vào ti vi và mọi hành động chuyển kênh của người xem đều được ghi nhớ tự động, sau đó tổng hợp thành bảng rating chung thì ở Việt Nam công nghệ này vẫn chưa được phổ biến. Việc không xác định rating rõ ràng cho các chương trình truyền hình khiến các nhà đài tự mặc định cho họ khái niệm “khung giờ vàng”. Các nhà tài trợ, sản xuất có niềm tin mù quáng rằng những đứa con tinh thần của họ đẻ vào giờ “vàng” sẽ đẻ ra được “trứng vàng” mà không cần bất cứ điều kiện tác động nào khác. Thêm nữa, ở Việt Nam toàn bộ các tập phim truyền hình đều phải hoàn thành từ nhiều ngày trước khi phát sóng nên chỉ số khán giả chỉ nhằm kêu gọi quảng cáo. Hiện nay, nếu bộ phim nào có tỷ lệ rating (chỉ số người xem truyền hình) cao, thu hút nhiều quảng cáo thì các nhà đài sẽ ưu tiên phát sóng, nhất là vào các khung giờ vàng. Nhưng các bộ phim đạt kỷ lục rating hiện nay đều chủ yếu rơi vào các phim dạng công thức. Đang tồn tại một thực trạng là trên truyền hình bây giờ chỉ có khái niệm phim ăn khách chứ không còn khái niệm phim hay. Điều này rất đáng báo động, bởi lẽ tiêu chí đánh giá lượng rating ở Việt Nam đang bị cho là phiến diện.
Đã từng có những chương trình bị nhà đài đẩy ra khỏi sóng giờ vàng để nhường đất cho các chương trình truyền hình thực tế ăn khách, rating cao, nhiều quảng cáo. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chương trình tuy được làm nghiêm túc có giá trị giáo dục, nghệ thuật cũng khó có thể chen chân được vào khung giờ vàng và điều này cũng đồng nghĩa với việc kêu gọi đầu tư cũng giảm đi do bị ám ảnh bởi rating.
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và công nghệ điện tử (thuộc Bộ TT-TT), tại thị trường Việt Nam chỉ có một đơn vị thực hiện công việc đo rating. Mặc dù, đơn vị này có rất nhiều khách hàng lớn là các đài truyền hình, các đơn vị sản xuất chương trình, công ty quảng cáo, tuy nhiên, đôi khi số liệu của đơn vị này đưa ra vẫn chưa thực sự thuyết phục. Trong thời điểm công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, nên chăng, cần có nhiều hơn nữa những thước đo, cách tính minh bạch và chuẩn xác. Hy vọng rằng khi dự án quản lý truyền hình qua hình thức đo rating của Cục Phát thanh truyền hình và công nghệ điện tử được đưa vào vận hành, những nhà sản xuất chương trình sẽ có thêm một kênh để kiểm chứng sức hút khán giả và khi đó thước đo chỉ số khán giả mới thực sự phát huy được giá trị thực.
MAI AN