Quyết tâm kéo giảm cháy lớn

Quyết tâm kéo giảm cháy lớn

Phân tích, đánh giá nguyên nhân, rút kinh nghiệm từ các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng; tăng cường nghiệp vụ và đầu tư trang thiết bị cho lực lượng cơ sở; cán bộ - chiến sĩ phải nghiêm minh trong làm nhiệm vụ; triệt tiêu các nguy cơ cháy nổ do vi phạm an toàn điện; xã hội hóa việc đầu tư, trang bị phương tiện chữa cháy… là những chỉ đạo trong tâm của lãnh đạo Bộ Công an và UBND TPHCM đối với Cảnh sát PCCC TP tại buổi tổng kết tình hình cháy nổ năm 2016 mới đây nhằm hạn chế số vụ và thiệt hại do cháy nổ trong thời gian tới.

Cháy nổ ngày càng diễn biến phức tạp

Thông tin tại buổi tổng kết, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, năm 2016, TPHCM xảy ra 2.223 sự cố, tai nạn liên quan đến cháy nổ, cứu nạn cứu hộ. Trong đó có 361 vụ cháy khiến tám người tử vong. Các tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ tăng mạnh và xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn, đồng thời diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây ra hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản. Đặc biệt, số vụ cháy và thiệt hại về người trong tháng 1-2017 tiếp tục tăng cao với 12 vụ làm 13 người tử vong. Số vụ cháy gây thiệt hại về người chủ yếu xảy ra ở các hộ dân nhỏ lẻ, sử dụng nhà để vừa ở vừa kinh doanh. Điển hình như vụ cháy xảy ra tại nhà số 453/6 đường Lê Văn Sỹ (phường 12, quận 3, TPHCM) khiến sáu người chết, hai người bị thương ngày 16-11.

Theo Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy chủ yếu do người dân chủ quan, thiếu ý thức trong việc thực hiện các quy định phòng ngừa cháy nổ. Một số văn bản quy định về xử lý các hành vi vi phạm PCCC còn chưa chặt chẽ. Đơn cử như việc xử lý vi phạm tại các hộ dân vừa sử dụng nhà ở vừa kinh doanh, ai quản lý, quản lý thế nào còn chưa cụ thể. Hiện nay thành phố còn khoảng 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh hình thành và tồn tại từ trước khi có Luật PCCC được ban hành chưa được nghiệm thu về PCCC, đây là một lỗ hổng lớn dễ dẫn đến cháy nổ. Cảnh sát PCCC TPHCM đã có văn bản kiến nghị UBND để có hướng giải quyết vấn đề này nhằm kéo giảm cháy nổ xảy ra.

Ngoài ra, theo Cảnh sát PCCC TPHCM, dẫn đến một số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng gần đây trên địa bàn thành phố có phần lớn nguyên nhân từ việc báo cháy chậm từ phía người dân, chủ nhà - cơ sở bị cháy. “Người dân cần phải thay đổi nhận thức, khi phát hiện có sự cố, tai nạn hỏa hoạn, cháy, cần gọi điện ngay số điện thoại 114 để cảnh sát ứng phó kịp thời. Bởi trong cháy nổ, chậm 1 giây cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế các vụ cháy lớn trong thời gian vừa qua, như vụ cháy trên đường Lê Văn Sỹ làm chết 6 người, nếu phát hiện sớm, thiệt hại về người sẽ không lớn như vậy”.

Bám sát các giải pháp căn cơ

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC trong thời gian tới, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo, Cảnh sát PCCC TPHCM cần nghiên cứu, lấy ý kiến các sở ngành, tham mưu cho thành phố để xã hội hóa công tác PCCC, cụ thể là trong đầu tư trang thiết bị PCCC, phối hợp xử lý sự cố. Điều này không chỉ làm tăng điều kiện ứng phó, xử lý kịp thời tai nạn mà qua đó còn giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về công tác PCCC, qua đó nâng cao nhận thức, góp phần giúp việc PCCC được hiệu quả hơn. Ngoài ra, Trung tướng Bùi Văn Thành cũng yêu cầu Cảnh sát PCCC TPHCM đẩy mạnh thực hiện các mô hình PCCC như “khu phố tự PCCC”, “khu dân cư không vi phạm an toàn điện”, “gia đình tự PCCC”… ở các phường điểm, khu phố, ấp. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện giải pháp tuyên truyền kỹ năng PCCC cho người dân, đây là yếu tố quan trọng, không thể thiếu để hạn chế thiệt hại về người trong các vụ cháy nổ.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng lưu ý Cảnh sát PCCC TP cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC. Lâu nay phương châm này được nhắc đến nhiều, tuyên truyền nhiều, tuy nhiên việc thực hiện, áp dụng vào thực tế có nơi có lúc chưa được như mong muốn, kế hoạch đề ra. Ông Huỳnh Cách Mạng đề nghị cảnh sát PCCC cần phân tích, đánh giá nguyên nhân, rút kinh nghiệm từ các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục, bổ sung hợp lý, tránh để tai nạn tương tự xảy ra. Việc tăng cường nghiệp vụ và đầu tư trang thiết bị cho lực lượng cơ sở là giải pháp trọng tâm, phải làm thường xuyên. Vì đây là lực lượng trực tiếp, nếu thiếu thiết bị chữa cháy, ít nhân sự thì cháy nhỏ cũng dễ dẫn đến cháy lan cháy lớn. Cần rà soát, đầu tư thêm máy bơm, thiết bị chữa cháy cầm tay, nghiệp vụ để nâng cao tính hiệu quả trong PCCC cho lực lượng này. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC TP cần phối hợp cùng điện thành phố và các ngành liên quan, xử lý triệt để tình trạng vi phạm các lỗi trong sử dụng điện, hạn chế số vụ cháy nổ do điện xảy ra. Thực hiện tốt các giải pháp này, tin rằng tình hình cháy nổ tại TPHCM trong thời gian tới sẽ chuyển biến tích cực, người dân sẽ yên tâm hơn trong cuộc sống, sinh hoạt.

VIỆT TUẤN

Tin cùng chuyên mục