Công nghiệp Việt Nam

“Chỉ số sẵn sàng” của doanh nghiệp còn thấp

“Chỉ số sẵn sàng” của doanh nghiệp còn thấp

Vừa qua, Bộ Công nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để bàn các biện pháp phát triển ngành công nghiệp khi Việt Nam gia nhập WTO. Song…

  • Thách thức còn nhiều

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp nhận định, trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp đã có những nỗ lực lớn từ đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị; tiến hành sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tái cấu trúc lại doanh nghiệp và hướng doanh nghiệp đến hoạt động theo sát với cơ chế thị trường; rà soát và điều chỉnh nhiều cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập, trong đó tập trung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong môi trường bình đẳng và minh bạch; thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào một số ngành công nghiệp đang có xu hướng tăng cao nhằm tạo khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của các nước phát triển…

“Chỉ số sẵn sàng” của doanh nghiệp còn thấp ảnh 1

Vận hành thiết bị tinh luyện dầu ăn ở Công ty cổ phần dầu Tân Bình. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Tuy nhiên, điều lo ngại chính là chỉ còn trong một thời gian ngắn nữa Việt Nam gia nhập WTO nhưng “chỉ số sẵn sàng” của các doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều chính sách và qui hoạch ngành chưa kịp điều chỉnh, cơ chế bảo vệ doanh nghiệp chưa hoàn thiện… Đó là sức cạnh tranh của hàng hóa công nghiệp còn thấp, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế, nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Nguyên nhân là do một thời gian dài chúng ta thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị, qui mô doanh nghiệp còn nhỏ bé, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp khiến giá thành sản phẩm còn rất cao. Ở tầm vĩ mô, cơ cấu ngành phát triển chưa hợp lý, tỷ trọng công nghiệp chế biến chưa cao, các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật. Đơn cử như những ngành có năng lực phát triển lớn, được qui hoạch phát triển mạnh trong 10 năm tới, như dệt may, da giày, xe máy ô tô… cho đến nay phần lớn vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu hoặc mới chỉ dừng ở công đoạn gia công lắp ráp theo đơn đặt hàng.

Theo đánh giá của Bộ Công nghiệp, hiện nay hàng hóa của ngành công nghiệp trên thị trường nội địa tuy chất lượng có được cải thiện so với trước, nhưng giá cả còn cao. Hàng hóa xuất khẩu thì mẫu mã chưa đa dạng và độc đáo, khả năng cung cấp số lượng nhiều, ổn định, thay đổi mẫu mã nhanh vẫn là một thách thức lớn. Nếu xét kỹ ở các ngành kinh tế kỹ thuật thì nhóm có khả năng cạnh tranh tốt là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông lâm thủy hải sản, dầu thô, khí đốt… Các nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất như sắt thép, phân đạm, động cơ diesel, thiết bị điện-điện tử, sản phẩm nhựa, sành sứ thủy tinh, vật liệu xây dựng, giấy, hóa chất cơ bản, dệt, máy công cụ, máy móc thiết bị công nghệ cao… hiện nay phát triển chậm, khả năng cạnh tranh rất thấp.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Công ty Dệt Phong Phú nhận xét, khi gia nhập WTO, điều lo ngại nhất là nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa nhận thức được vấn đề, còn tâm lý trông chờ vào sự bảo hộ của nhà nước. Điều này cần được nhanh chóng khắc phục và đáng lý phải được thực hiện từ mấy năm trước, chứ doanh nghiệp nhỏ và vừa khó “tự bơi” vào vòng xoáy của “sân chơi” WTO.

  • Tập trung đào tạo nguồn nhân lực

Tuy nhiên, thời gian qua, cũng phải ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tích lũy nội lực để chuẩn bị cho việc hội nhập khá thành công như Vinamilk, Casumina, Vifon, Điện Quang, Việt Tiến, Phong Phú, Hanosimex, Điện cơ Thủ Đức, Cadivi, Nakydaco… Đây là các doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng, chủ động có biện pháp tập trung đầu tư và đào tạo nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển. Không chỉ tập trung cho các kênh phân phối bán hàng, đưa các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, triển khai các biện pháp quản trị doanh nghiệp nhằm bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm, Công ty CP Vinamilk từ lâu đã có chính sách hỗ trợ đưa con em cán bộ công nhân trong công ty và sinh viên ngành chế biến thực phẩm học giỏi đi du học nước ngoài để chuẩn bị nhân lực cho yêu cầu phát triển.

Công ty Dệt Phong Phú có chính sách thu hút cũng như giữ cán bộ kỹ thuật giỏi. Mỗi năm công ty trích vài tỷ đồng hỗ trợ cho công tác đưa đi đào tạo hoặc đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ công nhân viên. Phong Phú cũng thu hút được nhiều học sinh du học ở nước ngoài và Việt kiều về làm việc.

Theo Bộ Công nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, hàng loạt các biện pháp như xây dựng hệ thống chính sách về phát triển khoa học công nghệ đã và đang được triển khai. Theo đó, bộ khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nhanh chóng tiếp cận trình độ công nghệ mới của thế giới, trong đó yêu cầu hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, làm chủ được công nghệ mới.

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết thêm, Bộ Công nghiệp đang tập trung đổi mới hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành để phù hợp với yêu cầu mới. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là rà soát và điều chỉnh các đề án chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật, với yêu cầu chú trọng phát triển các khu công nghiệp phụ trợ chuyên ngành và loại bỏ các chính sách hỗ trợ không phù hợp trước đây.

Văn Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục