Chỉ thị Thành ủy TPHCM yêu cầu bố trí lại cán bộ ở nơi có nhiều vi phạm xây dựng

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, vừa ký chỉ thị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. 

Chỉ thị yêu cầu đến trước tháng 6-2020 phải chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép mà không bị xử lý. Cấp phường nào để xảy ra xây dựng trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh. Cùng đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Làm rõ vì sao vi phạm xây dựng tồn tại dai dẳng

Chỉ thị yêu cầu ngay trong tháng 7-2019, UBND TPHCM tổ chức hội nghị “Lập lại trật tự xây dựng trên toàn thành phố”, để đánh giá tình trạng xây dựng không phép và sai phép mà không bị xử lý cùng hậu quả của việc này. Đồng thời làm rõ nguyên nhân vì sao xây dựng trái phép vẫn tồn tại dai dẳng. Qua đó, xác định các giải pháp đồng bộ, khả thi, quyết liệt của hệ thống đảng 3 cấp ở thành phố để tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật trước Đại hội Đảng bộ các quận - huyện (tháng 6-2020).

Cùng đó, UBND TPHCM, các sở - ngành phải kiên quyết thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ, làm tiền đề để chính quyền quận - huyện, phường - xã - thị trấn chấn chỉnh quản lý xây dựng trên địa bàn. Yêu cầu đặt ra là: Chấm dứt xây dựng trái phép mà không bị xử lý theo pháp luật trước đại hội đảng bộ các quận - huyện.

Đối với cấp ủy quận - huyện, phường -xã -thị trấn thì đầu tháng 8-2019 cũng phải tổ chức hội nghị và có nghị quyết chuyên đề. Trên cơ sở đó, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn đảng bộ, từng chi bộ, đảng viên về việc không để xây dựng trái phép như thời gian qua.

Mỗi đảng viên phải cam kết với tổ chức đảng nơi sinh hoạt không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng. 

Bí thư, chủ tịch UBND quận - huyện, các phường - xã - thị trấn cam kết với cấp ủy cấp trên trực tiếp về việc lập lại trật tự xây dựng trước tháng 6-2020, nếu không cam kết thì cấp ủy bố trí công tác khác đối với cán bộ này.

Chỉ thị Thành ủy TPHCM yêu cầu bố trí lại cán bộ ở nơi có nhiều vi phạm xây dựng ảnh 1 Các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh. Ảnh: CTV
Qua đó, phường - xã - thị trấn nào xảy ra xây dựng không phép và sai phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm Quy định 1374-QĐ/TU (năm 2017) của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời thực hiện Quy định 2265-QĐ/TU (năm 2019) của Ban Thường vụ Thành ủy về điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý uy tín giảm sút; năng lực hạn chế, kết quả công tác không đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện chỉ thị này.

Chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang đất ở để xây dựng nhà trọ

Chỉ thị nhấn mạnh, bên cạnh việc xác định các giải pháp trung hạn và dài hạn đáp ứng nhu cầu nhà ở của một triệu người dân nhập cư tăng thêm mỗi 5 năm giai đoạn 2020 -2030, cần làm rõ các giải pháp ngắn hạn, khả thi, hợp pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng thêm trong các năm 2019 -2021.

Cụ thể, các nơi có thể tổng kết mô hình các nhà trọ cho công nhân, xây dựng các chuẩn nhà trọ đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, đủ chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường, có hạ tầng giao thông và hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở có quy mô nhỏ, phân tán, để người dân đăng ký chuyển đổi, xây dựng nhà trọ có thời hạn 5-10 năm phù hợp quy hoạch.

Sau một thời gian ở, các nhà trọ đã được chuẩn hóa về thiết kế và quy hoạch, có thu nhập ổn định và có tích lũy thu nhập, các hộ dân có thể mua căn hộ với điều kiện sống cao hơn.

Cùng đó là việc tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên toàn thành phố. Trong đó, trách nhiệm thanh tra, xử lý vi phạm xây dựng là thuộc UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn với lực lượng thanh tra và quản lý đô thị đủ mạnh.

Khi đó, Thanh tra Sở Xây dựng thanh tra các công trình xây dựng lớn, đặc thù, phức tạp và thanh tra công tác thanh tra tại các quận - huyện.

Chỉ thị lưu ý, việc bố trí số lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự đô thị không cào bằng mà bố trí đông hơn, mạnh hơn ở các địa bàn có nguy cơ xảy ra vi phạm xây dựng cao. Sau một thời gian có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Trước mắt, từ tháng 7-2019 đến tháng 6-2020, hàng tháng lãnh đạo quận - huyện, phường - xã - thị trấn (chính quyền và cấp ủy) phải tổ chức giao ban chuyên đề về lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, xử lý kịp thời công chức vi phạm. Trong quý 3-2019, bố trí lại cán bộ, công chức ở địa bàn có nhiều sai phạm, uy tín thấp.

Chỉ thị Thành ủy TPHCM yêu cầu bố trí lại cán bộ ở nơi có nhiều vi phạm xây dựng ảnh 2 Dân nhập cư tăng mạnh, nhu cầu nhà ở cao nên Ban Thường vụ Thành ủy cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở để xây nhà trọ tạm. Ảnh: KIỀU PHONG 

Ngoài ra, các quận - huyện, phường - xã - thị trấn rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp đã xây dựng các công trình trái phép để cảnh báo. Đối với các đối tượng đã xây dựng và môi giới bán các công trình xây dựng không phép, sai phép quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng và móc ngoặc với công chức thoái hóa để xây dựng, mua bán trái luật phải thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh. Kết quả xử lý cần công khai trong trong quý 3, quý 4 năm 2019.

Cùng với đó, ngay trong năm 2019, UBND TPHCM chỉ đạo và hỗ trợ để tất cả các quận - huyện triển khai hệ thống trực tuyến ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân, trong đó có vi phạm trật tự xây dựng, qua tin nhắn (mô hình Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến). Việc này nhằm đảm bảo tất cả các sai phạm về trật tự xây dựng đã được người dân phản ánh đều được xử lý đúng pháp luật trong thời gian mà UBND các quận - huyện xác định (từ 2 giờ đến 2 ngày).

Ngoài ra, trong tháng 7-2019, Sở Xây dựng hướng dẫn đầy đủ việc niêm yết giấy phép xây dựng tại tất cả các công trình xây dựng để kiểm tra, giám sát dễ dàng, xử lý kịp thời các sai phạm. Yêu cầu này phải thực hiện bằng được, nếu không niêm yết giấy phép xây dựng thì không được xây dựng.

“Chi tiền cho thanh tra, công chức thì được làm ngơ

Theo chỉ thị, thời gian qua, tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn thành phố, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép đã được phát hiện và xử lý. Cụ thể, năm 2017 có 2.856 công trình (bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày). Năm 2018 có 2.419 công trình (bình quân 6,6 vụ/ngày).

Riêng 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình vi phạm (bình quân 8,5 vụ/ngày). Mức độ sai phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với năm 2018.

Những công trình vi phạm xây dựng dẫn đến hình thành các khu dân cư và khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X về chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 -2020, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Nếu không lập lại trật tự xây dựng thì không chỉ không thực hiện được chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016- 2020 mà cũng không có cơ sở để xây dựng và thực hiện chương trình này trong giai đoạn 2020 -2025. Nguyên nhân khách quan của tình hình trên là nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư cao.

Tuy nhiên, chỉ thị nêu ra nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó có xuất phát từ cấp thành phố, chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư với quy mô mỗi năm khoảng 200.000 người. Mặc khác, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt.

Đặc biệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực: người vi phạm chi tiền cho thanh tra, công chức thì được làm ngơ, lực lượng môi giới, “cò” bán đất, nhà trái pháp luật, các doanh nghiệp, đội xây dựng trái pháp luật không bị xử lý.

Tương tự, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng nhiều nơi chưa đúng mức, chưa nhận trách nhiệm về vi phạm xây dựng và tiêu cực ở địa phương. 

Mặc khác, sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận - huyện trong xử lý vi phạm vừa chồng chéo, vừa sơ hở, thiếu hiệu quả.

Chỉ thị nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý trật tự đô thị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cũng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo lập lại trật tự xây dựng. Thế nhưng, tại một số quận-huyện vi phạm trật tự xây dựng vẫn phổ biến và có xu hướng phức tạp hơn.

Tin cùng chuyên mục